over 2 years ago -

Khát lao động chất lượng cao, ManpowerGroup Việt Nam đề xuất giải pháp

Khát lao động chất lượng cao, ManpowerGroup Việt Nam đề xuất giải pháp

​​Sáng ngày 20/08/2022, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Vận hành toàn quốc Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, đại diện ManpowerGroup Việt Nam đã tham dự chia sẻ tại Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, do Văn phòng Chính Phủ tổ chức và được kết nối trực tuyến với các địa phương trên cả nước.

Theo báo cáo từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, sau những năm đổi mới, lực lượng lao động đã tăng gấp đôi, từ 27 triệu năm 1986 lên 51,4 triệu, tính hết quý II/2022. Dân số Việt Nam đang ở thời kỳ vàng nhưng chất lượng lao động "chưa vàng" khi tỷ lệ qua đào tạo thấp, chỉ trên 26%, trong khi là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ ba khu vực và duy trì ổn định trong nhiều năm.

Thị trường lao động Việt Nam dư thừa người có kỹ năng thấp và thiếu lao động kỹ thuật cao. Hạn chế trình độ khiến lao động Việt gặp khó trước những biến động lớn như đại dịch, xu hướng dịch chuyển việc làm, trong khi lưới an sinh chưa đủ sức đảm đương chống đỡ rủi ro cho người lao động. Nếu không sớm thay đổi đào tạo, bù đắp các kỹ năng cho người lao động, có thể dẫn tới nguy cơ mất tính cạnh tranh.

Gần bốn tiếng trao đổi, nhiều ý kiến đến từ doanh nghiệp nêu lên thực trạng tay nghề thấp, kỹ năng thiếu khiến lao động Việt Nam khó thích nghi trước những biến đổi. Dẫn những khảo sát mới nhất, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành toàn quốc Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, Manpower Group Việt Nam, cho biết chỉ 8,96% lao động Việt Nam có khả năng làm việc từ xa trong bối cảnh doanh nghiệp tăng cường loại hình này sau đại dịch.

Lao động có kỹ năng tay nghề cao chỉ đạt 11,6% và cần cải thiện nhiều kỹ năng mềm lẫn chuyên môn. Chỉ 5% lao động có trình độ tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập sẽ là nhiều hạn chế, chưa đủ cạnh tranh với lao động khu vực. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam khoảng 300 USD, tương đương 7 triệu đồng, thấp hơn khá nhiều so với lao động trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).

Khát lao động chất lượng cao, ManpowerGroup Việt Nam đề xuất giải pháp

Ông Nguyễn Xuân Sơn dẫn nhiều số liệu khảo sát của ManpowerGroup Việt Nam cho thấy lao động Việt Nam còn thiếu hụt nhiều kỹ năng đáp ứng sự thay đổi của thị trường. | Nguồn ảnh: Báo điện tử chính phủ

Ông Sơn nhấn mạnh "giá rẻ" vừa là thu hút lẫn điểm yếu về thích nghi của lao động Việt Nam khi doanh nghiệp nước ngoài đưa công nghệ mới vào sản xuất. Theo Khảo sát Xu hướng Tuyển dụng tại Việt Nam Quý 3-4/2022 do ManpowerGroup Việt Nam mới công bố, khoảng 57% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Trước kia, lương là yếu tố hàng đầu, nhưng giờ là chế độ phúc lợi, chính sách như làm việc linh hoạt thời gian... Doanh nghiệp vì thế cần cải thiện linh hoạt chế độ, môi trường làm việc, cơ hội phát triển kỹ năng để giữ chân người lao động.

Đại diện nhiều doanh nghiệp có mặt tại hội nghị cũng bày tỏ lo ngại tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, trong khi đang cần tuyển dụng hàng nghìn vị trí nhân sự khi mở rộng sản xuất.

Lắng nghe gần 20 phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh những ý kiến chất lượng của doanh nghiệp, địa phương và chuyên gia. Ông cho rằng thị trường lao động dư thừa có thể gây mất ổn định kinh tế, trật tự xã hội và ngược lại nếu chất lượng lao động giảm sút thì mất dần tính cạnh tranh. Vì vậy, hai mặt này cần hài hòa, làm sao để thị trường lao động phát triển tạo công ăn việc làm, nâng cao khả năng hội nhập của Việt Nam với thế giới. Đồng thời, Thủ tướng cũng nêu ra nhiều trăn trở về những khó khăn, thiệt thòi của lao động Việt Nam khi so sánh với các nước khác và cho rằng những vấn đề này cần sớm có biện pháp giải quyết.

Nguồn thông tin: Báo điện tử chính phủ