11 tháng trước -

Bí Kíp Để Có Một Buổi Đánh Giá Hiệu Suất Thành Công

Bí Kíp Để Có Một Buổi Đánh Giá Hiệu Suất Thành Công

Những buổi đánh giá hiệu suất (performance appraisal hoặc performance evaluation) cũng giống như khám sức khỏe định kỳ - sớm muộn gì cũng phải đến và ai cũng mong đợi kết quả tốt đẹp nhất. Tuy vậy, hầu hết mọi người đều có những lo lắng trước mỗi kỳ đánh giá hiệu suất. Liệu những nỗ lực của bạn trong thời gian qua có được ghi nhận? Đây sẽ là một buổi chia sẻ cởi mở hay căng thẳng?… Cùng lắng nghe những lời khuyên từ các chuyên gia của ManpowerGroup để sẵn sàng cho một buổi đánh giá hiệu suất hiệu quả và suôn sẻ nhé.

Câu hỏi: Tôi sắp có một buổi đánh giá hiệu suất với sếp của mình. Tôi nên chuẩn bị những gì? Tôi nên thực hiện việc tự đánh giá như thế nào để thể hiện tốt nhất năng lực bản thân?

Tâm lý lo lắng trước buổi đánh giá là điều hết sức bình thường. Mặc dù những buổi đánh giá hiệu suất gây căng thẳng cho mọi người, đây lại là một hoạt động quan trọng trong quy trình quản lý công việc, giúp các tổ chức và cá nhân tiến bộ và đạt được kết quả tốt hơn.

Cấp trên đang đánh giá hiệu suất nhân viên

Đối với các tổ chức, mục tiêu chính của việc đánh giá hiệu suất nhằm:

  • Đánh giá, trao đổi và cải thiện năng suất của nhân viên cũng như xác định các hạn chế cần khắc phục, từ đó đảm bảo sự phát triển của mỗi người nhất quán với mục tiêu chung toàn tổ chức.

  • Xây dựng quy trình phản hồi minh bạch và mang tính xây dựng bằng cách tạo điều kiện cho những buổi đối thoại cởi mở giữa nhân viên và lãnh đạo.

Nhìn chung, mục đích của đánh giá hiệu suất nhằm nâng cao hiệu quả công việc của nhân viên và tổ chức. Để phát huy hết giá trị của buổi đánh giá, điều quan trọng là lắng nghe với một tâm thế tích cực và cởi mở. Bà Thikhamporn Khamkaen, Associate Director, Professional Perm, ManpowerGroup ThaiLand, chia sẻ: “Hãy xem đây là cơ hội để bản thân phát triển cả về khía cạnh cá nhân lẫn công việc thay vì chú tâm đến những lời chỉ trích”.

Tương tự, khi thực hiện đánh giá hiệu suất, nhà quản lý cũng cần nhớ rằng những buổi đánh giá không chỉ nên diễn ra một chiều mà cần có sự thẳng thắn chia sẻ từ cả hai phía. Ở đó, cả nhân viên và lãnh đạo đều có thể trao đổi đến những vấn đề mà họ cảm thấy quan trọng.

Bật mí tuyệt chiêu để có một buổi đánh giá hiệu suất thành công

Chuẩn bị chu đáo là vô cùng cần thiết để có một buổi đánh giá hiệu quả. Trước buổi đánh giá, hãy dành đủ thời gian (ít nhất từ một đến hai tuần) để suy nghĩ về những thành tựu của bạn, thách thức bạn phải đối mặt và những điểm bạn cần cải thiện trong năm qua.

Do hầu hết các đợt đánh giá đều diễn ra thường niên, bạn nên chủ động thường xuyên lưu lại tiến độ và thành tích công việc của mình để tránh bỏ sót bất cứ điều gì. Bà Loan Cao, Operations Manager, Staffing Outsourcing & HR Consulting Services, ManpowerGroup Vietnam, gợi ý nên thực hiện việc ghi chép định kỳ mỗi tuần hoặc mỗi tháng.

Quản lý đang đánh giá hiệu suất nhóm nhân viên

“Dắt túi’ những điều cần biết khi chuẩn bị cho buổi đánh giá hiệu suất

  • Thực hiện tự đánh giá: Hãy suy ngẫm về hiệu quả công việc của bạn trong năm và tự đánh giá những nhiệm vụ đã thực hiện tốt, các vấn đề còn gặp khó khăn hay cần giúp đỡ, cũng như mục tiêu cho năm tới. Chuẩn bị các chỉ số đo lường được lượng hóa và ví dụ cụ thể để chứng minh cho luận điểm của bạn một cách khách quan hơn.

Hãy tự trả lời những câu hỏi sau:

  • Những thành tựu và đóng góp chính của mình kể từ kỳ đánh giá gần nhất là gì?

  • Mình đã phát triển hoặc cải thiện những kỹ năng hoặc chuyên môn nào?

  • Mình từng gặp khó khăn hay thách thức gì và đã giải quyết ra sao?

  • Mình đã đóng góp cho các dự án hay hiệu quả của nhóm như thế nào?

  • Định hướng sự nghiệp của bản thân là gì và làm cách nào để cải thiện để đạt được các mục tiêu dài hạn?

  • Mình muốn nhận được sự hỗ trợ gì để giúp ích cho sự phát triển của bản thân?

Đọc thêm: Những yếu tố dễ bị bỏ qua khi xây dựng lộ trình nghề nghiệp

  • Không đổ lỗi: Mặc dù bạn được khuyến khích đưa ra góp ý và chia sẻ về khó khăn của mình, đừng biến nó trở thành một buổi phàn nàn hay chỉ trích người khác trong công việc. Ông Rohit Chattree, Operations Director, Manpower Singapore nói rằng: “Cần tránh đưa ra quan điểm theo kiểu “Tôi đúng - Anh sai”, bởi cách trình bày này hoàn toàn phản tác dụng và chẳng giải quyết vấn đề gì cả”. Không những vậy, điều này còn khiến bạn trở nên thiếu chuyên nghiệp và vô trách nhiệm. Ngoài ra, đổ lỗi đôi khi còn nghĩa rằng bạn không tiếp thu ý kiến – điều mà không một người lãnh đạo nào hài lòng.

  • Tập trung vào kế hoạch tương lai: Bạn nên nhìn về tương lai trong buổi đánh giá. Ông Chattree khuyên: “Hãy chú ý vào kế hoạch tiếp theo và những đóng góp bạn có thể đem đến cho các dự án sắp tới” thay vì chìm đắm trong “ánh hào quang” của quá khứ. Nếu bạn cảm thấy mình chưa làm việc hiệu quả trong năm vừa qua, hãy can đảm nhận trách nhiệm và chủ động đưa ra kế hoạch cải thiện hiệu suất để đạt được những mục tiêu đề ra. Điều quan trọng là thể hiện rằng bạn sẵn sàng đón nhận các góp ý và tìm giải pháp. Ngoài ra, bạn cũng nên thẳng thắn nêu ra những vấn đề cần hỗ trợ để cấp trên có thể giúp bạn tiến bộ & phát triển.

Hãy nhớ rằng buổi đánh giá hiệu suất không chỉ là dịp để nhìn lại những thành tựu trong quá khứ mà còn là cơ hội để trưởng thành và phát triển. Chúc bạn chuẩn bị và thể hiện thật tốt trong lần đánh giá hiệu suất tiếp theo!