linkedin
Banner Default Image

Tìm kiếm nhân lực AI và ESG cho phát triển công nghiệp: Đãi cát tìm vàng

Quay lại trang Sự Kiện
01 April 2025 09:00-12:00 Hà Nội

​Phát triển bền vững đang trở thành hướng đi trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong bối cảnh chuyển đổi này, trí tuệ nhân tạo (AI) đang đóng vai trò then chốt, giúp các doanh nghiệp cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và trách nhiệm xã hội – môi trường.

Đây là một bước chuyển mang tính đột phá, tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp, trong đó có thách thức về nhân lực. Làm thế nào để lực lượng lao động sẵn sàng cho một nền công nghiệp hiện đại và bền vững?

Áp lực tuyển dụng nhân tài có kỹ năng AI

Từ khối văn phòng đến nhà máy, nhu cầu tuyển dụng những chuyên gia có chuyên môn về AI đang gia tăng mạnh mẽ. Theo Hướng dẫn lương 2025 của ManpowerGroup Việt Nam, các vị trí liên quan đến chuyển đổi số đang được săn đón nhiều nhất, với nhu cầu cao về nhân sự am hiểu về tự động hóa, ứng dụng AI và tối ưu chuỗi cung ứng. Xu hướng này chịu tác động rõ nét từ làn sóng chuyển đổi số toàn cầu. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), AI có thể tạo ra tới 97 triệu việc làm mới trên toàn thế giới vào năm 2025. Khi Việt Nam hướng đến mô hình sản xuất giá trị cao, yêu cầu về nhân lực chất lượng lại càng trở nên cấp thiết.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cũng gặp phải không ít thách thức. Tại sự kiện về ngành công nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Việt Hoàng – Giám đốc Kinh doanh Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam – đã chia sẻ 3 rào cản lớn nhất của doanh nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương khi ứng dụng AI bao gồm: chi phí đầu tư cao (42%), người lao động không có kỹ năng sử dụng AI (36%) và lo ngại về quyền riêng tư và quy định (34%). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xác định những vị trí nào có thể ứng dụng AI, hoặc làm thế nào để đào tạo đội ngũ nhân viên khai thác công nghệ này một cách hiệu quả.

3 rào cản lớn nhất của doanh nghiệp khi ứng dụng AI bao gồm: chi phí đầu tư cao, người lao động không có kỹ năng AI và lo ngại về quyền riêng tư & quy định

Thực tế, những lo lắng về AI không chỉ đến từ phía doanh nghiệp. Theo Khảo sát Xu hướng tuyển dụng của ManpowerGroup, chỉ 56% công nhân nhà máy và lao động tuyến đầu tại khu vực APAC cảm thấy lạc quan về tác động của AI – thấp hơn đáng kể so với nhóm quản lý cấp cao (69%), quản lý và giám sát cấp trung (68%) và nhân viên văn phòng (68%). Sự khác biệt rõ rệt này cho thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe và giúp người lao động đón nhận AI một cách cởi mở hơn, để họ hiểu rằng công nghệ sinh ra là để trợ giúp con người thay vì mang đến những trở ngại.

Thiếu hụt kỹ năng khi ESG trở thành ưu tiên chiến lược

Bên cạnh làn sóng AI, các mục tiêu về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) cũng đóng một vai trò quan trọng, trở thành ưu tiên trong quá trình chuyển đổi của ngành công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, năng lực triển khai trong thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Khảo sát Xu hướng tuyển dụng của ManpowerGroup chỉ ra rằng có tới 91% doanh nghiệp tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho biết họ chưa có đủ nhân sự có kỹ năng phù hợp để đáp ứng các mục tiêu ESG. Thách thức này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi tính bền vững đã trở thành yếu tố thiết yếu trong hoạt động kinh doanh.

91% doanh nghiệp tại APAC cho biết không có đủ nhân sự có kỹ năng phù hợp để đáp ứng các mục tiêu ESG

Áp lực của việc triển khai ESG không chỉ đến từ nội bộ doanh nghiệp, mà còn từ phía nhà đầu tư. Bên cạnh lợi nhuận, họ đang ngày càng quan tâm đến những yếu tố khác, ví như tác động của doanh nghiệp đối với môi trường và con người. Hiện nay, có đến 75% nhà đầu tư yêu cầu các cam kết ESG từ doanh nghiệp.

Đối với thế hệ trẻ tại Việt Nam, đặc biệt là lao động thế hệ Z, đa dạng, hòa nhập và trách nhiệm môi trường không đã trở thành tiêu chí then chốt khi lựa chọn nơi làm việc. Những doanh nghiệp không theo kịp xu hướng này có thể sẽ khó giữ chân nhân tài trước sức hút của những tổ chức có mục tiêu ESG rõ ràng hơn.

Giải pháp cho doanh nghiệp

Đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân sự

Tại sự kiện, ông Hoàng đã nhấn mạnh rằng chiến lược thay đổi cần bắt đầu từ chính con người. Doanh nghiệp nên tập trung đào tạo và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có nhằm thu hẹp khoảng cách năng lực, đồng thời hợp tác với các đối tác công nghệ để giúp người lao động thành thạo với AI, từ đó chinh phục các mục tiêu bền vững.

Ông Hoàng Nguyễn - Giám đốc Kinh doanh toàn quốc ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nên tập trung đào tạo & nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có

Trong bối cảnh Việt Nam chuyển mình từ mô hình sản xuất truyền thống sang nền công nghiệp hiện đại, những nhân sự chủ động trang bị kỹ năng từ bây giờ sẽ có lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai

Bên cạnh chuyên môn về công nghệ, kiến thức về ESG – bao gồm cách đo lường dấu chân carbon, đánh giá tác động xã hội và tuân thủ các nguyên tắc quản trị – đang dần trở thành yêu cầu cần thiết cho nhiều vị trí. Một môi trường làm việc thực sự thực hành những giá trị đó cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Đồng thời, việc xây dựng lòng tin với nhân viên, khuyến khích Đa dạng, Bình đẳng, Hòa nhập và Gắn kết (DEIB), cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ cũng là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài lâu dài. Thực tế, mô hình làm việc linh hoạt - được áp dụng bởi 41% nhà tuyển dụng tại APAC và việc ưu tiên DEIB chính là hai yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài.

Con người là tương lai ngành công nghiệp

Tương lai xanh, hiện đại, và sẵn sàng cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp Việt Nam không thể chỉ dựa vào máy móc. Nguồn lực chính phải xuất phát từ con người – từ các chuyên gia lập trình đến công nhân sản xuất – những người trực tiếp kiến tạo nên tương lai ngành công nghiệp.

Việc ứng dụng AI và theo đuổi mục tiêu ESG đòi hỏi doanh nghiệp cần đưa ra lựa chọn rõ ràng: đầu tư vào phát triển lực lượng lao động ngay hôm nay, hoặc bị bỏ lại trong một thế giới không ngừng thay đổi.