X2 Thu Nhập Ngành Công nghệ - Kỹ thuật:
Khó hay dễ?
Trong bất kỳ cuộc cách mạng công nghiệp nào, ngành Công nghệ - Kỹ thuật luôn đóng một vai trò quan trọng. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi những công việc mơ ước cùng thu nhập “khủng” dường như luôn mở rộng cánh cửa, chào đón các tân sinh viên của ngành này. Thế nhưng, bức tranh màu hồng này đang dần phai nhạt. Dù nhu cầu vẫn cao nhưng ngành Công nghệ - Kỹ thuật đang rơi vào cảnh “người làm không thiếu nhưng lại thiếu người tài”. Vậy vấn đề nằm ở đâu? Mức thu nhập “khủng” của ngành này là một miếng bánh dễ ăn hay một khúc gỗ khó nhằn cho các bạn trẻ? Hãy cùng ManpowerGroup Việt Nam tìm hiểu nhé!
Người làm không thiếu nhưng thiếu người tài
Theo Báo cáo năm 2024 của ManpowerGroup, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên toàn cầu liên tục gia tăng và tăng mạnh nhất ở các ngành Công nghệ Thông Tin (34%), Công nghiệp & Vật liệu (21%), Vận tải Logistics & Công nghệ ô tô (16%). Chia sẻ trong buổi hội thảo “Tăng tốc để thành công với kỹ năng Tài chính cho sinh viên Công nghệ” gần đây do ACCA và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức, chị Lê Phương Thảo - Trưởng phòng Tuyển dụng và Tư vấn Nhân sự Cấp cao, ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh “Cứ 5 yêu cầu tuyển dụng tại ManpowerGroup Việt Nam thì có ít nhất 1 vị trí đến từ ngành Công nghệ Thông tin & Dữ liệu”.
Tuy nhiên, có đến 76% doanh nghiệp lĩnh vực Công nghệ Thông tin trên toàn cầu gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng phù hợp. Con số này đối với ngành Công nghiệp & Vật liệu, Vận tải Logistics & Công nghệ ô tô cũng ở mức tương đương.
“Hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng lao động dựa trên kỹ năng, tiềm năng thay vì chỉ quan tâm đến bằng cấp. Chẳng hạn với vị trí Chuyên Gia Kiến Trúc Doanh nghiệp tại Ngân hàng, nhân sự sở hữu chứng chỉ quốc tế TOGAF sẽ được nhà tuyển dụng chú ý và đánh giá cao”, chị Lê Phương Thảo chia sẻ.
Với ngành Công nghệ Thông tin, sinh viên chỉ cần nắm vững kiến thức chuyên môn căn bản là đã có thể tìm được việc. Nhưng nguyên nhân khiến nhiều người chưa tìm được công việc lý tưởng là do thiếu kỹ năng mềm hoặc những kỹ năng chuyên môn khác.
Ví dụ, kỹ năng ngoại ngữ ngày càng được nhà tuyển dụng quan tâm. Chị Thảo cho biết, “Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay yêu cầu ứng viên cần có trình độ Tiếng Anh khá để giao tiếp, trao đổi công việc với đối tác nước ngoài. Ngoài Tiếng Anh căn bản, ứng viên cũng cần nắm vững các thuật ngữ Tiếng Anh chuyên ngành để có thể diễn giải hiệu quả ý tưởng công việc với đối tác. Đây cũng là điểm yếu của nhiều sinh viên ngành Công nghệ - Kỹ thuật.”
Bên cạnh đó, chị Đinh Loan - Đối tác Nhân sự, Ngân hàng Standard Chartered cũng nhận định, sinh viên nhóm ngành công nghệ - kỹ thuật đa phần rất thông minh, tư duy logic rạch ròi nhưng lại thiếu kỹ năng hợp tác và giao tiếp. Đây là hai kỹ năng quan trọng trong môi trường làm việc, giúp nhân viên làm việc hiệu quả hướng đến đạt được mục tiêu chung của tổ chức.
Bổ sung ý kiến về vấn đề này, TS. Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc nhóm Bảo mật IBM ASEAN, chia sẻ vấn đề nhiều nhân lực công nghệ trẻ gặp phải, đó là thiếu góc nhìn chung với người dùng/khách hàng về góc độ chuyên môn nghiệp vụ ví dụ như ngân hàng, dịch vụ công hay thương mại điện tử... nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình tư vấn khách hàng mua và sử dụng sản phẩm, cho dù nhóm CNTT đã cho ra đời một sản phẩm công nghệ tốt ở góc độ phát triển. Bởi vậy, sinh viên các ngành công nghệ - kỹ thuật cần trau dồi thêm cả kỹ năng nghiệp vụ, marketing và bán hàng.
Vậy hướng đi nào cho các sinh viên nói chung và các sinh viên ngành Công nghệ - Kỹ thuật nói riêng?
Đa năng giúp tăng thu nhập
Nhân sự có sự ham hiểu từ hai lĩnh vực trở lên được cho là đóng góp hiệu quả hơn vào công việc và đem lại nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Tài chính, Phó Tổng Giám đốc NextTech, “Một sản phẩm được xây dựng bởi nhân viên công nghệ nhưng am hiểu về tài chính và kinh doanh sẽ khác biệt so với người chỉ có chuyên môn về công nghệ. NextTech sẵn sàng trả mức lương gấp đôi, thâm chí gấp ba cho nhân sự Công nghệ Thông tin sở hữu kiến thức tài chính/ kinh tế với cùng vị trí”.
“Đối với nhân sự ngành Công nghệ Thông tin, nếu bạn biết thêm chuyên môn nghiệp vụ về một trong các lĩnh vực tài chính, chuỗi cung ứng, thương mại điện tử... thì sẽ là một điểm mạnh giúp gia tăng thu nhập gấp 3 – 5 lần”, anh Khang chia sẻ.
Ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày
Tại sao cùng một quỹ thời gian 24h như nhau, có những người vẫn thu xếp hoàn thành được hết mọi việc, số khác dù “đầu tắt mặt tối” nhưng công việc vẫn rối bời? Vậy làm thế nào để các bạn sinh viên có thời gian trau dồi kỹ năng trong khi rất nhiều thứ cần phải học mà dường như thời gian không đủ?
Các diễn giả tại buổi hội thảo với sinh viên Đại học Bách khoa chia sẻ “Thành công bắt đầu từ việc thức dậy gấp chăn màn mỗi buổi sáng, bởi một chiếc giường gọn gàng hình thành nên một con người quy củ. Càng kỷ luật, càng tự do và càng làm được nhiều việc hơn. Hãy tự đặt ra những thói quen nhỏ hàng ngày và cố gắng thực hiện đều đặn. Bởi mỗi khi hoàn thành một việc, não chúng ta sẽ tiết ra hormone hạnh phúc và thỏa mãn, khiến ta có năng lượng hơn cho những công việc tiếp theo”.
Với chị Lê Phương Thảo, “Thời sinh viên là khoảng thời gian lý tưởng nhất để học hỏi và trải nghiệm. Nếu không thể làm tất cả, hãy chọn một hoạt động đáp ứng được nhiều mục đích. Với các bạn sinh viên Công nghệ Thông tin, tham gia cuộc thi khởi nghiệp bằng Tiếng Anh là một cách hay để vừa trau dồi khả năng Tiếng Anh, vừa gia tăng trải nghiệm, lại là một điểm sáng trong CV sau này”.
Sự kiện nằm trong chuỗi chương trình hướng nghiệp tại các trường Đại học, Cao đẳng của ManpowerGroup Việt Nam, là nỗ lực nhằm nâng cao kỹ năng cho thế hệ trẻ và là một phần cam kết của chúng tôi theo Biên bản Ghi nhớ hợp tác chiến lược với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 2008, cũng như đóng góp trong những nỗ lực phát triển bền vững trên toàn cầu của ManpowerGroup.