6 tháng trước -

Đời ném ta chanh, xử nhanh bằng đường: Cách vun đắp sự nghiệp từ những lời từ chối

Đời ném ta chanh, xử nhanh bằng đường: Cách vun đắp sự nghiệp từ những lời từ chối

Bạn có hay nhận những mail như này?

Chào Minh,

Rất cảm ơn bạn vì đã quan tâm tới công ty chúng tôi. Dù buổi phỏng vấn đã cho thấy bạn là người có năng lực và giàu kinh nghiệm, chúng tôi rất lấy làm tiếc khi thông báo rằng công ty đã tìm được ứng viên phù hợp hơn.

Chúng tôi chúc bạn sẽ gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp của mình. Một lần nữa, cám ơn bạn vì đã dành thời gian với công ty chúng tôi.

Trân trọng

HR của công ty mà đã từ chối bạn

Nhiều khả năng là nếu bạn đang đọc bài này, hẳn bạn đã nhận được một lời từ chối tương tự ở thời điểm nào đấy trong sự nghiệp. Dẫu biết rằng tìm việc là một hành trình dài, dễ mất động lực và gây stress, nhất là khi bạn phải đối mặt với nhiều lời từ chối, và việc nghe chữ “không” hết lần này đến lần khác có thể khiến sự tự tin của bạn giảm sút và muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đối diện với sự từ chối theo những cách lành mạnh, cởi mở hơn. Bằng cách định hình tư duy và chiến lược phù hợp, bạn hoàn toàn có thể vượt qua nhiều lần từ chối và tiến tới sự chấp thuận.

Sau đây là những chiến lược giúp bạn vượt qua sự từ chối và khiến hành trình tìm việc của bạn không đi vào lối mòn:

Đừng đổ lỗi cho bản thân

Thứ nhất, khi bạn bị từ chối, hãy cố đừng tự đổ lỗi cho mình.Thực tế là cơ hội thành công của bạn từ đầu vốn đã không cao. Dù có vô vàn những công việc ngoài kia, báo cáo cho thấy có 70% đến 85% các công việc không được đăng tuyển công khai và thường được tuyển từ nguồn nội bộ, mối quan hệ cá nhân hoặc các cách tuyển dụng khác.

Dẫu điều này nghe hơi phũ phàng, nhưng bạn cũng cần biết là trong đa số các trường hợp, việc bạn có được lựa chọn hay không đôi lúc không nằm ở bạn. Bởi quy trình tuyển dụng vốn có nhiều yếu tố mà bạn không thể kiểm soát được. Công ty có thể đã chấm ai đó cho vị trí này ngay từ đầu, cũng có thể do bạn không có các kĩ năng cần thiết hoặc không phù hợp với văn hóa công ty. Nên thay vì tự đổ lỗi cho mình và cảm thấy áp lực, hãy coi sự từ chối như một phần không thể thiếu trong quá trình xin việc. Việc bị từ chối ở một vị trí chỉ đưa bạn gần hơn đến đúng nơi mà bạn thuộc về mà thôi.

Thay đổi góc nhìn

Sự thật là bạn cần nhìn nhận sự từ chối là cơ hội học hỏi. Liệu kĩ năng phỏng vấn của bạn chưa tốt? Vậy hãy tận dụng để trau dồi kỹ năng của mình.Xem xét việc thay đổi chiến lược và hồ sơ ứng tuyển để trở thành ứng viên sáng giá cho công việc kế tiếp.

Lấy ví dụ, hãy thử tìm hiểu phương pháp STAR - thảo luận về tình huống (Situation), nhiệm vụ (Task), hành động cụ thể (Actions), và kết quả (Result). Luyện tập áp dụng STAR đối với các câu hỏi thông dụng để làm nổi bật kĩ năng của bạn bằng các ví dụ sinh động. Nếu bạn thấy kĩ năng còn hạn chế, hãy thử tìm tới các khóa học, đăng ký chứng chỉ hoặc trau dồi kĩ năng để phát triển những phần còn thiếu.

Mỗi lần bị nói “không” sẽ đưa bạn tiến thêm một bước đến sự “chấp thuận.”

@manpowergroupvn ⭐️ Hiểu rõ các mô hình phỏng vấn cùng ManpowerGroup Việt Nam nha (P1) #manpower #tuyendung #phongvan #jobs #hr #trend #fyb ♬ nhạc nền - xiao xiao 💦

Hãy nghỉ ngơi khi cần

Tìm việc qua nhiều tuần, nhiều tháng có thể khiến bạn kiệt quệ, cả về tư duy lẫn tinh thần. Theo thời gian, những nỗ lực không ngừng cùng những lời từ chối liên tục sẽ khiến bạn nản chí. Nên mỗi khi bạn thấy mình kiệt sức và không còn động lực, điều quan trọng mà bạn cần làm, đó là nghỉ ngơi.

Hãy cho phép mình được nghỉ ngơi để phục hồi bằng các hoạt động khác ngoài tìm việc, như tập thể dục, theo đuổi đam mê, gặp gỡ bạn bè, xem chương trình yêu thích, hay bất cứ điều gì giúp bạn sạc lại năng lượng cho bản thân.

Chìa khóa trong giai đoạn này nằm ở chính những hoạt động giúp bạn bồi bổ tinh thần. Đừng cố quan tâm đến chuyện tìm việc và chìm đắm trong sự từ chối nữa. Điểm mấu chốt là bạn cần cân bằng các khoảng nghỉ với việc duy trì động lực và đà tiến của mình. Sau đó, hãy trở lại với một tâm lí thoải mái và cởi mở hơn. Cứ tự nhủ là bạn vẫn còn một công ty nào đó ngoài kia để chinh phục, và công việc mơ ước vẫn luôn ở đó đợi bạn.

Nâng cấp hồ sơ ứng tuyển của bạn

Hãy dành thời gian để cải thiện hồ sơ, thư ứng tuyển và tài khoản mạng xã hội của bạn dựa trên kinh nghiệm từ những lần từ chối trước. Nếu được, hãy thử hỏi các chuyên gia cách để bạn nâng cấp hồ sơ, qua đó điều chỉnh lại cách tiếp cận và văn phong.

Vài cách cụ thể để nâng cấp hồ sơ của bạn:

  • Điều chỉnh lại hồ sơ cho từng lần ứng tuyển, viết lại nội dung cho phù hợp nhất với mô tả công việc, bao gồm những giải thích cụ thể hay định dạng lại CV nhằm nhấn mạnh vào các kĩ năng.

  • Nâng cấp hồ sơ Linkedln của bạn bằng cách chỉnh sửa lại tiêu đề, phần tổng quan về bản thân, kèm theo đó là các nội dụng lôi cuốn có tính chuyên môn.

  • Tận dụng mạng lưới của bạn để tìm việc thông qua những lời giới thiệu. Đừng ngại ra khỏi vùng an toàn. Mạng lưới của bạn vốn là dành cho mục đích này mà.

  • Hãy xem xét xem liệu CV có truyền tải được đam mê của bạn với công ty và vị trí ứng tuyển, kèm theo đó là cách bạn tạo giá trị cho họ.

  • Hãy liên hệ với bạn thân, đồng nghiệp hoặc một người thầy để nhờ họ xem qua hồ sơ của bạn và đưa ra góp ý. Nếu có thể, hãy tìm đến một chuyên gia hướng nghiệp để nhờ họ góp ý cho hồ sơ cho bạn..

Điều này nghe có vẻ khá mất thời gian và áp lực, nhưng hãy cứ dành thời gian để tinh chỉnh hồ sơ ứng tuyển của bạn cho từng vị trí, điều này sẽ giúp bạn trở nên sáng giá hơn và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.

Mở rộng phạm vi tìm việc

Nếu bạn vẫn đang tập trung vào việc đạt được một vị trí tại một công ty cụ thể hay tại một mảng nhất định, đây là lúc mà bạn nên mở rộng phạm vi tìm kiếm.

Hãy thử tìm thêm các vị trí, công ty, hay lĩnh vực mới mà kĩ năng và kinh nghiệm của bạn có thể đáp ứng tốt. Ví dụ, nếu bạn chỉ ứng tuyển vào vị trí Marketing ở các công ty khởi nghiệp, hãy mở rộng phạm vi tìm kiếm của bạn sang các mảng liên quan khác như Quan hệ Công Chúng, PR, Sự Kiện, hay truyền thông kĩ thuật số. Hãy xem xét cả những công ty hoặc agency cùng nghành với bạn.

Nếu có thể, hãy mở rộng cả phạm vi địa lí, sẵn sàng nhận việc cả ở những khu vực mới và cân nhắc các cơ hội chuyển địa điểm sao cho phù hợp với định hướng sự nghiệp của bạn. Tận dụng Linkedln để có thêm nhiều sự lựa chọn ở nhiều ngành và khu vực khác nhau. Tránh việc tập trung vào một mục tiêu cụ thể và hạn chế bản thân với một tầm nhìn hạn hẹp. Mở rộng phạm vi tìm kiếm sẽ làm tăng cơ hội phỏng vấn lẫn khả năng nhận được lời mời.

Tìm sự hỗ trợ và động lực

Qúa trình tìm việc có thể khiến bạn bị mất tinh thần và khó xử khi một mình. Nên việc tìm kiếm sự động viên và hỗ trợ tinh thần từ người khác là rất cần thiết.

Hãy thẳng thắn chia sẻ với bản thân hoặc người nhà, những người sẵn sàng lắng nghe khi bạn cần bộc lộ cảm xúc trong lòng. Tham gia vào những nhóm hỗ trợ tìm việc trên mạng hoặc bên ngoài để chia sẻ ý kiến với những người gặp phải khó khăn tương tự.Việc nhận ra bạn không cô đơn sẽ khiến tinh thần bạn thoải mái hơn. Việc sở hữu một mạng lưới tương trợ nhau như vậy sẽ giúp bạn vững vàng hơn trước những biến động. Đừng đánh giá thấp tầm quan trọng của cộng đồng, sự động viên tích cực từ những người xung quanh có thể ảnh hưởng lớn đến thái độ và tinh thần của bạn đấy! Hãy lựa chọn ở gần những người tích cực để luôn giữ được sự lạc quan.

Hãy cứ tích cực và kiên trì

Dù cho có bị từ chối trong công việc, hãy cứ giữ vững thái độ tích cực, luôn tin rằng ngoài kia vẫn có một công việc hoàn hảo đang đợi bạn. Bạn chỉ cần dành thêm ít thời gian và nỗ lực hơn một tí, cơ hội rồi sẽ đến thôi.

Hãy tập trung vào tương lai chứ không phải những lời từ chối trong quá khứ. Bằng sự bền bỉ và tư duy đúng đắn, rồi bạn sẽ đạt được sự “chấp thuận” xứng đáng.

Việc đối mặc với những lời từ chối dồn dập chính là phần khó nhất trong công tác tìm việc. Nhưng bằng cách thay đổi góc nhìn, tái cơ cấu, và áp dụng các phương pháp phù hợp, bạn sẽ bước qua những khó khăn này. Hãy tin vào bản thân và nội lực của bạn. Giữ vững động lực tìm việc và đừng để chữ “không" định nghĩa cuộc đời mình.