Trong một buổi phỏng vấn xin việc, có lẽ khoảnh khắc khi nhà tuyển dụng chuyển sang câu hỏi “Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?” đã khiến không ít ứng viên trở nên bối rối, nhưng ít ai biết rằng đây cũng lại chính là cơ hội tuyệt vời để ghi điểm. Vậy làm thế nào để thể hiện thật tốt khi nhận được câu hỏi này?
Việc đặt câu hỏi không chỉ đơn thuần là một cách lịch sự để kết thúc buổi phỏng vấn mà còn là cơ hội tuyệt vời để bạn thể hiện sự quan tâm, hiểu biết và sự chuyên nghiệp của mình. Cùng khám phá ngay trong bài viết dưới đây những cách đặt câu hỏi khiến nhà tuyển dụng đánh giá cao và thậm chí nóng lòng mời bạn về làm việc nhé.
Những lỗi phổ biến nên tránh
Trước khi đi sâu vào các cách đặt câu hỏi, hãy cùng nhau điểm qua những điều bạn nên tránh:
Trả lời “Tôi không có câu hỏi nào”
Câu trả lời “Không, tôi nghĩ anh/chị đã giải đáp hết rồi” nghe có vẻ lịch sự nhưng thực tế lại khiến bạn trông như không quan tâm hay chưa chuẩn bị kỹ lưỡng. Chính việc nói “không” đã khiến bạn bỏ lỡ mất cơ hội để tìm hiểu thêm về công việc và công ty, đồng thời có thể tạo ấn tượng rằng bạn chưa thực sự đầu tư nhiều thời gian vào việc chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Ngay cả khi nhà tuyển dụng đã giải đáp hết những thắc mắc của bạn, việc chuẩn bị sẵn vài câu hỏi sẽ giúp bạn thể hiện tinh thần chủ động.
Hỏi về chuyện cá nhân
Đôi khi những câu chuyện bên lề có thể giúp giảm bớt đi bầu không khí căng thẳng của buổi phỏng vấn, nhưng tuyệt đối không nên đặt những câu hỏi quá riêng tư về người phỏng vấn. Hãy nhớ rằng đây là một buổi phỏng vấn chuyên nghiệp, không phải một cuộc trò chuyện tán gẫu ở quán cà phê. Những câu hỏi quá riêng tư có thể khiến người phỏng vấn không thoải mái và để lại ấn tượng không tốt.
Hỏi những điều không liên quan
Tránh đặt những câu hỏi không liên quan đến công việc, công ty, hay ngành nghề. Chẳng hạn, hỏi về kế hoạch tiệc cuối năm của công ty trong buổi phỏng vấn đầu tiên không phải là một lựa chọn thông minh. Hãy tập trung vào những câu hỏi cho thấy bạn thực sự hứng thú với vị trí và mong muốn đóng góp vào sự phát triển của công ty.
Sau khi đã điểm qua những điều cần tránh, bây giờ cùng chuyển sang phần quan trọng nhất đó là cách đặt những câu hỏi giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và để lại ấn tượng tốt nhất.
Những câu hỏi nên đặt cho nhà tuyển dụng
Về văn hóa công ty
“Anh/chị có thể mô tả văn hóa công ty bằng ba từ không?”
“Công ty có những chính sách nào để hỗ trợ cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên?”
“Môi trường làm việc ở đây như thế nào? Là kiểu cạnh tranh khốc liệt hay hòa đồng và hỗ trợ lẫn nhau?”
Những câu hỏi này cho thấy bạn quan tâm đến môi trường làm việc và cách bạn có thể hoà nhập tại đây. Hiểu về văn hóa công ty rất quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự hài lòng và hiệu suất công việc của bạn. Việc thực sự hòa hợp với văn hóa công ty sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả và dễ dàng xây dựng mối quan hệ tích cực với đồng nghiệp.
Về vị trí công việc
“Một ngày làm việc điển hình ở vị trí này sẽ như thế nào?”
“Những thách thức lớn nhất mà đội ngũ đang phải đối mặt là gì?”
“Vị trí của tôi có đóng góp như thế nào vào mục tiêu chung của công ty?”
Đặt những câu hỏi cụ thể về công việc cho thấy bạn đã hình dung bản thân trong vai trò đó và muốn hiểu rõ hơn về các nhiệm vụ hàng ngày cũng như cách bạn có thể đóng góp.
Về cơ hội phát triển
“Công ty có cung cấp cơ hội phát triển nào về chuyên môn không?”
“Công ty có những chính sách hỗ trợ nhân viên phát triển sự nghiệp như thế nào?”
“Lộ trình thăng tiến cho vị trí này có rõ ràng hay không?”
Những câu hỏi này thể hiện bạn là một người có tham vọng và muốn gắn bó lâu dài. Việc đặt câu hỏi về cơ hội phát triển cho thấy bạn không chỉ quan tâm đến công việc hiện tại mà còn có kế hoạch cho tương lai lâu dài tại công ty. Hơn nữa, việc đặt câu hỏi cũng giúp bạn xác định được công ty có hỗ trợ phát triển về chuyên môn hay không.
Về đội ngũ trong công ty
“Anh/chị có thể chia sẻ về đội ngũ mà tôi sẽ làm việc cùng không?”
“Cách thức hợp tác của đội ngũ trong các dự án sẽ như thế nào?”
“Công ty có hoạt động nào giúp gắn kết các thành viên trong đội ngũ không?”
Hiểu rõ về cách thức đội ngũ hoạt động sẽ giúp bạn đánh giá liệu mình có thể hòa hợp với đồng nghiệp tương lai hay không. Một đội ngũ gắn kết và giàu tinh thần tương trợ có thể đem lại nhiều khác biệt đối với sự hài lòng trong công việc của bạn cũng như hiệu suất làm việc. Những câu hỏi về văn hóa đội ngũ cũng cho thấy bạn coi trọng sự hợp tác và một môi trường làm việc tích cực.
Về tầm nhìn và tương lai của công ty
“Những mục tiêu chính của công ty trong 1-3 năm tới là gì?”
“Công ty có dự định gì về việc thay đổi nhu cầu nhân sự trong thời gian tới không?”
“Sự đổi mới đóng vai trò gì trong kế hoạch phát triển của công ty?”
Những câu hỏi này cho thấy bạn quan tâm đến bức tranh lớn hơn và mong muốn đóng góp vào sự thành công dài hạn của công ty. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để bạn xác định xem liệu mục tiêu cá nhân của mình có phù hợp với định hướng phát triển của công ty không. Việc hỏi về tương lai của công ty cho thấy bạn đang suy nghĩ về mục tiêu dài hạn, không chỉ đơn thuần tìm kiếm một công việc tạm thời để tạo ra thu nhập trước mắt.
Chiến lược đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Nghiên cứu kỹ lưỡng
Càng hiểu rõ về công ty, bạn càng dễ đặt những câu hỏi sâu sắc và ấn tượng. Nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi phỏng vấn cho nhà tuyển dụng thấy bạn thực sự quan tâm đến vị trí này, đồng thời sẽ giúp bạn xây dựng được những câu hỏi mở ra những cơ hội trao đổi chi tiết và ý nghĩa hơn với công ty.
Chuẩn bị sẵn câu hỏi
Luôn chuẩn bị sẵn một danh sách các câu hỏi để tránh bị bất ngờ. Hãy chuẩn bị các câu hỏi xoay quanh nhiều khía cạnh khác nhau của công việc và công ty. Điều này cho phép bạn có thể thích nghi theo diễn biến cuộc trò chuyện và không bao giờ bị rơi vào tình trạng không có gì để hỏi.
Cá nhân hoá câu hỏi
Tránh những câu hỏi chung chung mà bạn có thể hỏi ở bất kỳ công ty, bất kỳ vị trí nào. Thay vào đó, hãy cá nhân hóa câu hỏi của bạn để phù hợp với công ty và vị trí bạn đang ứng tuyển. Việc cá nhân hóa thể hiện bạn đã tìm hiểu kỹ và thực sự quan tâm đến cơ hội việc làm này.
Trình bày câu hỏi một cách tự tin
Luyện tập cách đặt câu hỏi
Tự tin là yếu tố then chốt. Hãy luyện tập việc đặt câu hỏi trước gương hoặc với bạn bè để cải thiện cách truyền đạt và đảm bảo rằng bạn sẽ thể hiện một cách tự tin và mạch lạc trong buổi phỏng vấn. Nhớ rằng bạn đang hướng tới hình ảnh mình là một ứng viên chuyên nghiệp, chứ không phải đang vào vai một diễn viên với những lời thoại tẻ nhạt và thiếu cảm xúc.
Sử dụng tông giọng tự nhiên
Hãy đặt câu hỏi thể hiện sự tò mò một cách tự nhiên nhất thay vì giống như một người máy đang đọc thuộc lòng. Sự chân thật giúp bạn tạo dựng mối liên kết với người phỏng vấn và làm cho cuộc trò chuyện trở nên kết nối hơn.
Duy trì giao tiếp bằng mắt
Việc duy trì giao tiếp bằng mắt khi đặt câu hỏi thể hiện sự tự tin và giúp bạn tạo sự kết nối với người phỏng vấn. Ánh mắt cho thấy bạn có đang thực sự chú ý và lắng nghe lời nói của đối phương hay không. Tuy vậy, hãy nhớ rằng giữa giao tiếp mắt tự nhiên và việc nhìn chằm chằm vào người khác chỉ cách biệt rất ít. Để tránh tình trạng này, thi thoảng hãy chớp mắt, thể hiện sự chăm chú thay vì tỏ ra kỳ quặc.
Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể
Tích cực sử dụng ngôn ngữ cơ thể sẽ giúp nâng cao khả năng giao tiếp và khiến bạn trông thân thiện và tự tin hơn. Hãy luyện tập các kỹ năng như gật đầu, mỉm cười đúng lúc, duy trì giao tiếp mắt vừa phải, tích cực lắng nghe và hướng cơ thể về phía người phỏng vấn. Đôi khi cảm thấy lo lắng là điều hết sức bình thường. Quan trọng nhất vẫn là bạn thấy thoải mái để có thể thể hiện tốt nhất kỹ năng và kinh nghiệm của mình.
Nắm bắt tâm lý
Chú ý đến thời gian
Nếu người phỏng vấn cứ nhìn đồng hồ như thể một người đang trông đợi chiếc phao cứu sinh cuối cùng trên tàu Titanic, khi đó bạn nên chỉ tập trung đưa ra một hoặc hai câu hỏi quan trọng. Hãy luôn chú ý đến thời gian. Nếu buổi phỏng vấn đang kéo dài, hãy ưu tiên những câu hỏi quan trọng nhất để đảm bảo bạn có được thông tin cần thiết mà không đánh mất thời gian quý giá của nhà tuyển dụng.
Thích nghi với phong cách của người phỏng vấn
Hãy quan sát và điều chỉnh năng lượng và tác phong của bạn theo cách mà người phỏng vấn thể hiện. Nếu họ thoải mái và trò chuyện thân thiện, bạn có thể thêm chút hài hước và cá tính riêng vào câu hỏi của mình. Ngược lại, nếu họ giữ thái độ trang trọng, hãy đặt câu hỏi một cách chuyên nghiệp và súc tích.
Chú ý đến các tín hiệu phi ngôn ngữ
Hãy chú ý đến biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể của người phỏng vấn. Nếu họ tỏ ra quan tâm và hào hứng, đó là dấu hiệu tốt cho thấy câu hỏi của bạn được đánh giá cao. Ngược lại, nếu họ có vẻ mất tập trung hoặc không hứng thú, có lẽ đã đến lúc bạn nên kết thúc hoặc chuyển sang chủ đề khác.
Nhớ rằng, việc đặt câu hỏi không chỉ để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng mà còn giúp bạn đánh giá xem công ty và công việc đó có phù hợp với bạn không. Phỏng vấn là một cuộc trao đổi hai chiều, và những câu hỏi của bạn chính là cách để xác định xem đây có phải là môi trường mà bạn muốn gắn bó không.
Nếu không còn gì để hỏi, bạn có thể hỏi những câu vui vui, ví dụ như về cây cảnh yêu thích trong văn phòng của họ. Những câu hỏi kiểu này đủ lạ để gây ấn tượng nhưng vẫn đủ an toàn để không khiến bạn bị loại khỏi danh sách tuyển dụng.