3 ngày trước - Hong Anh Nguyen

Bí kíp sinh tồn khi doanh nghiệp biến động

Bí kíp sinh tồn khi doanh nghiệp biến động

Bạn nhận được email vào 9:03 sáng: "Công ty chúng ta sắp có những thay đổi đầy hấp dẫn!" Chỉ vậy thôi cũng đủ khiến bạn lòng dạ rối bời. Bởi thành thật mà nói, trong ngôn ngữ nội bộ doanh nghiệp, "thay đổi hấp dẫn" thường đồng nghĩa với "chuẩn bị tinh thần đi nhé." Dù đó là thông báo sáp nhập, chiến lược mới hay một cuộc tái cấu trúc, thì những thay đổi lớn trong tổ chức luôn khiến chúng ta choáng váng và gần như không biết phải làm gì.

Tôi nghĩ ai cũng đã từng trải qua điều tương tự. Và mặc dù bạn không thể kiểm soát được các quyết định của công ty, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cách mình đón nhận tình huống đó. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu cách làm sao để không chỉ “sống sót” mà còn “sống tốt” khi mọi thứ có vẻ như sắp đảo lộn hoàn toàn trước những biến động của công ty.

48 giờ đầu tiên: Thời khắc quyết định

Trước tiên, hãy thừa nhận một điều mà những chuyên gia tư vấn ở các doanh nghiệp không bao giờ nhắc tới: việc bạn thấy hoảng loạn, bồn chồn hay muốn lao đi cập nhật hồ sơ cá nhân trên LinkedIn là chuyện hoàn toàn bình thường và là những phản ứng hết sức tự nhiên. Quan trọng không phải là cố gắng kìm nén những phản ứng đó, mà là biết cách biến chúng thành động lực.

Hít thở sâu trước khi bạn định nhắn tin ngay cho người đồng nghiệp thân thiết của bạn. Phản ứng đầu tiên thường không phải là phản ứng tích cực nhất, và các kênh nhắn tin nội bộ của công ty lại thường "lưu giữ" lâu hơn bạn nghĩ. Những lời xả ra lúc ấm ức có thể làm bạn cảm thấy nhẹ lòng, nhưng sẽ không hay chút nào nếu nó xuất hiện trên màn hình của người đang lên kế hoạch tái cấu trúc tổ chức. Thay vì nhắn tin, hãy lấy một cuốn sổ tay - đúng vậy, lấy một cuốn sổ tay chứ không phải ứng dụng ghi chú trên điện thoại - và viết ra mọi việc bạn đang làm. Không phải để nộp cho sếp hay phòng nhân sự, mà là để dành cho chính bạn. Hãy coi nó như "bảo hiểm nghề nghiệp" của mình. Dưới đây là những gì bạn cần ghi lại:

  • Những dự án đang đảm nhiệm: Liệt kê tất cả các dự án, trạng thái thực hiện, những bên liên quan, và vai trò cụ thể của bạn. Đừng quên cả những nhiệm vụ bên lề, tuy không có trong mô tả công việc nhưng lại giúp mọi thứ vận hành trơn tru. Đánh dấu những dự án quan trọng với doanh nghiệp và những dự án có thể gặp rủi ro khi có thay đổi.

  • Thành tích cụ thể: Hãy ghi lại các thành tựu của bạn một cách chi tiết. Thay vì "cải thiện dịch vụ khách hàng," hãy viết "giảm thời gian phản hồi từ 48 giờ xuống còn 12 giờ, tăng điểm đánh giá hài lòng của khách hàng lên 27%." Đừng chỉ liệt kê bạn đã làm gì – hãy nhấn mạnh tác động thực sự của những công việc đó đối với doanh nghiệp. Các chi tiết và con số cụ thể sẽ rất giá trị, dù là để giúp bạn để bảo vệ vị trí hiện tại của mình, hay là để cập nhật CV.

  • Vai trò của bạn trong mạng lưới công việc: Hãy vẽ ra mạng lưới kết nối của bạn. Ai đang phụ thuộc vào công việc của bạn, và ngược lại, công việc của bạn bị lệ thuộc nhiều nhất vào người nào? Những bên liên quan nào sẽ gặp khó khăn nếu thiếu sự đóng góp của bạn? Hãy ghi lại cả các dự án liên phòng ban mà bạn đóng vai trò cầu nối giữa các nhóm. Những mối quan hệ này là một yếu tố quan trọng cần được cân nhắc trong các đợt tái cấu trúc tổ chức.

  • Kỹ năng đặc biệt: Ghi lại những kỹ năng mà chỉ mình bạn sở hữu. Có thể bạn là người duy nhất biết cách vận hành một hệ thống quan trọng đã lỗi thời, hoặc bạn có mối quan hệ tốt với các khách hàng lớn. Những yếu tố khác biệt này có thể bây giờ chưa quan trọng, nhưng sau này sẽ trở thành "quân bài" cực kỳ giá trị.

Nhân viên văn phòng viết danh sách những việc cần làm vào sổ tay

Việc ghi chép rõ ràng như vậy sẽ giúp bạn yên tâm hơn khi có bằng chứng cụ thể về giá trị của mình, dù bạn dùng chúng để giữ vững công việc hiện tại, phỏng vấn ở nơi khác, hay chuẩn bị cho những cơ hội mới khi có sự thay đổi trong doanh nghiệp.

Lắng nghe và hiểu ý nghĩa đằng sau lời nói

Những phát ngôn truyền thông nội bộ đôi khi khiến chúng ta có cảm giác như lời nói của mọi người đã được "chỉnh sửa" bởi Google Dịch quá nhiều lần. Khi ban lãnh đạo thông báo sắp có sự thay đổi mới nghĩa là họ đang muốn kể một câu chuyện. Nhiệm vụ của bạn là tìm hiểu xem họ đang thực sự muốn ám chỉ điều gì.

Khi họ nhắc đến "tinh gọn quy trình," thường có nghĩa là sẽ phải cắt giảm chi phí. Nếu nhắc đến "tận dụng sức mạnh cộng hưởng," hãy chuẩn bị tinh thần cho việc sáp nhập. Còn "tối ưu hóa cơ cấu tổ chức" hả? Khả năng cao là sắp có đợt sa thải hoặc thay đổi lớn về các vị trí. Nếu công ty bắt đầu nhấn mạnh "tập trung vào các năng lực cốt lõi," có thể họ đang dự định bán hoặc đóng cửa các đơn vị kinh doanh không trọng yếu. Nhưng nếu bạn nghe thấy cụm từ như "đầu tư vào năng lực mới," hãy để ý nhé – điều đó thường báo hiệu cơ hội phát triển thật sự, dù trong tương lai gần mọi thứ có thể hơi rối ren.

Ngoài những lời "bóng bẩy," hãy để ý đến các tín hiệu khác từ công ty, chẳng hạn:

  • Đột ngột đóng băng ngân sách hoặc thêm cấp phê duyệt cho những khoản chi tiêu thông thường

  • Lãnh đạo cấp cao rời đi trong im lặng với lý do không rõ ràng

  • Các dự án lớn bị hoãn hoặc các sự kiện thường niên bị hủy

  • Các nhà tư vấn quản lý hoặc "cố vấn chiến lược" liên tục được tuyển dụng

  • Yêu cầu sao lưu chi tiết quy trình một cách bất thường

  • Lịch làm việc của lãnh đạo xuất hiện nhiều cuộc họp "bí mật"

Ngoài ra, đừng bỏ qua những thay đổi nhỏ trong công việc hàng ngày. Những phòng ban nào đang được tăng cường nguồn lực? Dự án nào đột nhiên trở nên cấp bách? Những nhân sự tiềm năng được điều chuyển đi đâu? Những tín hiệu nhỏ này thường cho bạn biết hướng đi thật sự của công ty hơn bất kỳ cuộc họp toàn công ty nào.

Thẳng thắn nhìn nhận lại bản thân

Đây là phần khó nhất, vì đó không phải kiểu đánh giá trong buổi họp hiệu suất công việc, mà là việc tự nhìn nhận và đánh giá một cách thật sự sâu sắc, giống như những đêm mất ngủ lúc 2 giờ sáng, nằm thao thức nhìn trần nhà và tự vấn bản thân. Hãy tự đặt ra những câu hỏi dưới đây và trả lời thật trung thực. Đừng chỉ nghĩ đến những nhiệm vụ trong phần mô tả công của bạn, mà hãy nhìn vào giá trị thực tế bạn tạo ra.

Nhân viên tập trung suy nghĩ tại bàn làm việc trong văn phòng với cuốn trên tay

Về vai trò và kỹ năng của bạn:

  • Bạn mang lại giá trị gì đặc biệt và khó bị thay thế?

  • Kỹ năng nào của bạn sẽ trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh mới, và kỹ năng nào có thể ít cần thiết hơn?

  • Bạn nắm giữ những kiến thức chuyên sâu nào của tổ chức có giá trị trong giai đoạn chuyển đổi này?

  • Khoảng cách giữa năng lực hiện tại của bạn và những gì công ty ưu tiên nằm ở đâu?

Về vị trí hiện tại:

  • Vai trò của bạn quan trọng đến đâu đối với những mục tiêu mới của công ty?

  • Ai đang phụ thuộc vào công việc của bạn, và điều đó có thể thay đổi ra sao?

  • Phòng ban của bạn đang mở rộng hay thu hẹp so với các phòng ban khác?

  • Bạn có quan hệ gần gũi đến đâu với những người ra quyết định trong cuộc cải tổ này?

Về tương lai của bạn:

  • Những khía cạnh nào trong công việc khiến bạn hứng thú, và những khía cạnh nào khiến bạn chán nản?

  • Bạn muốn mình ở đâu trong hai năm tới, và sự thay đổi này của công ty đang hỗ trợ hay cản trở bạn đạt được mục tiêu đó?

  • Điều gì khiến bạn cảm thấy hào hứng với những sự thay đổi, thay vì chỉ đơn thuần chấp nhận chúng?

  • Nếu ngày mai bạn phải tìm công việc mới, bạn muốn công việc đó như thế nào?

Những câu hỏi “về tương lai” này rất quan trọng nhưng thường bị bỏ qua. Nhiều khi chúng ta quá tập trung vào việc “sống sót” qua giai đoạn thay đổi của doanh nghiệp mà quên tự hỏi bản thân rằng liệu mình có thực sự muốn tiếp tục hay không. Ít ai biết rằng, những biến động lớn trong tổ chức có thể là cái cớ hoàn hảo để bạn theo đuổi cơ hội nghề nghiệp mà bạn trì hoãn bấy lâu nay.

Hãy nhớ, việc trả lời những câu hỏi trên không phải để giúp bạn níu giữ công việc hiện tại mà là để bạn sẵn sàng cho những cơ hội phía trước, dù là ở công ty hiện tại hay ở môi trường mới. Càng hiểu rõ về tình hình và mong muốn của bản thân, bạn sẽ càng đưa ra những quyết định sáng suốt khi mọi thứ thay đổi.

Hai đồng nghiệp bắt tay nhau và cười vui vẻ tại văn phòng

Lên kế hoạch hành động có chiến lược

Đây là lúc chúng ta bắt tay vào hành động. Bạn cần một chiến lược, nhưng đương nhiên là không giống lý thuyết như trong sách vở. Bạn cần một kế hoạch thực tế, phù hợp với bổi cảnh hỗn loạn như hiện tại.

Trước tiên, hãy làm cho bản thân trở nên có giá trị với những gì công ty cần nhất ở thời điểm hiện tại. Nếu công ty đang chuyển hướng sang số hóa, hãy chủ động tham gia vào dự án công nghệ mà trước giờ bạn thường tìm cách né tránh. Nếu công ty tập trung vào việc giữ chân khách hàng, hãy tìm cách để thể hiện kỹ năng xây dựng mối quan hệ của mình. Mấu chốt chính là làm sao để sự đóng góp của bạn phù hợp với định hướng mới của doanh nghiệp, trước cả khi những người khác nhận ra cơ hội đó.

Ngoài ra, bạn cần xây dựng mối quan hệ với mọi người ở những phòng ban khác, nhưng hãy làm điều đó một cách chân thành. Không gì lộ liễu hơn việc bắt đầu "mở rộng quan hệ" khi công ty có biến động. Thay vào đó, hãy tìm cách hợp tác với các phòng bạn khác, hỗ trợ họ giải quyết vấn đề, chia sẻ kiến thức với họ và trở thành người mà ai cũng muốn làm việc cùng.

Chiến thuật dài hơi: Luôn làm chủ sự nghiệp của mình

Thực tế là ''sự ổn định'' trong doanh nghiệp là một khái niệm hão huyền. Để đối mặt với các thách thức của thị trường, các công ty luôn phải thay đổi và thích nghi. Điều quan trọng là bạn phải tự tạo sự ổn định cho chính mình.

Bạn cần phải:

  • Trau dồi các kỹ năng chuyển đổi để ứng dụng ở mọi nơi

  • Duy trì mối quan hệ trong ngành

  • Luôn cởi mở với những lựa chọn mới dù vẫn toàn tâm với công việc hiện tại

  • Tự định hình lộ trình sự nghiệp của bản thân

Nhân viên văn phòng đang nhìn màn hình laptop và ghi chép vào sổ tay

Những người thành công nhất tôi từng thấy khi đối mặt với thay đổi không hẳn là người giỏi nhất hay biết cách tận dụng các mối quan hệ nhất. Họ là những người linh hoạt, dễ thích nghi nhưng vẫn giữ vững giá trị cốt lõi của mình. Họ hiểu rằng sự thay đổi, dù không mấy dễ chịu, những lại chính là cú hích cần thiết để tạo ra bước đột phá trong sự nghiệp. Hãy nhớ rằng câu chuyện của doanh nghiệp không phải là câu chuyện của bạn. Những ngã rẽ của họ không nhất thiết phải là ngã rẽ của bạn. Đôi khi, thứ trông giống khủng hoảng doanh nghiệp lại chính là cơ hội lớn nhất của bạn – nếu bạn sẵn sàng nhìn nhận nó theo cách đó.

Vậy nên, lần tới khi nhận được email "Thông báo quan trọng" từ công ty, hãy hít thở sâu. Bạn hoàn toàn có thể làm được với những bí kíp trên đây. Và biết đâu, thay đổi đó thực sự hấp dẫn – chỉ là theo một cách bạn chưa từng nghĩ tới.

Tìm hiểu thêm nhiều bí kíp hữu ích để thành công trong công việc TẠI ĐÂY.