15 ngày trước - Uyen Tran

Khi ''nhảy việc'' không còn là “tấm vé tăng lương”

Khi ''nhảy việc'' không còn là “tấm vé tăng lương”

“Nhảy việc” từng là lựa chọn phổ biến với nhiều người trẻ khi muốn nâng cao thu nhập hay tìm một môi trường làm việc phù hợp hơn. Tuy vậy, khi yêu cầu tuyển dụng trở nên khắt khe hơn, cạnh tranh lớn hơn, tốc độ thay đổi nhanh hơn khiến nhiều người trẻ thận trọng hơn khi cân nhắc nghỉ việc. Vậy lao động trẻ cần làm gì để vừa tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập tốt đồng thời tối ưu cơ hội phát triển dài hạn trong sự nghiệp?

 lao động trẻ tìm kiếm công việc phù hợp, thu nhập tốt đồng thời tối ưu cơ hội phát triển dài hạn trong sự nghiệp

Lao động trẻ không chỉ cạnh tranh với người cùng lứa

Giai đoạn 2020–2023, mức lương sau khi chuyển việc có thể tăng trung bình từ 10 đến 20%, thậm chí lên tới 50% ở một số vị trí đặc biệt. Tuy nhiên, bước sang 2024, điều này đã hoàn toàn thay đổi. Lý giải cho điều này, bà Đặng Ngọc Thu Thảo – Giám đốc Dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, Convenience miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh: “Hiện nay, lao động trẻ không chỉ cạnh tranh với người cùng lứa”. “Làn sóng sa thải toàn cầu đang gia tăng mạnh từ đầu 2024, trong khi nhiều doanh nghiệp lại ưu tiên lao động có kinh nghiệm. Chúng tôi quan sát thấy không ít người chuyển việc chấp nhận mức lương thấp hơn 10-20% so với vị trí cũ”, bà Thảo chia sẻ thêm. Cùng với việc doanh nghiệp điều chỉnh lại chính sách đãi ngộ và phúc lợi, người trẻ ngày càng ý thức rõ hơn rằng “nhảy việc” không còn là “cơ hội lớn hơn”, mà đi kèm với rủi ro cao hơn – đặc biệt trong một thị trường tuyển dụng đang ưu tiên kinh nghiệm và kỹ năng hơn bao giờ hết.

Nhiều ứng viên có đến 4–5 năm kinh nghiệm, sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn, điều chỉnh kỳ vọng của mình để ứng tuyển những vị trí chỉ yêu cầu 1-2 năm kinh nghiệm. Điều này đặt người trẻ vào thế cạnh tranh không chỉ với người cùng thế hệ. Theo quan sát của ManpowerGroup Việt Nam, thời gian nhóm lao động trẻ gắn bó với công việc hiện tại là khoảng từ 1.5-2 năm, có sự tăng đáng kể so với mức chỉ từ 6–12 tháng cách đây vài năm. Ngoài áp lực về sự cạnh tranh, nỗi sợ về việc bị sa thải, họ cũng đang chấp nhận với thực tại khi thu nhập trung bình của nhóm dưới 5 năm kinh nghiệm đang trên đà giảm.

 ứng viên có đến 4–5 năm kinh nghiệm, sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn, điều chỉnh kỳ vọng của mình để ứng tuyển những vị trí chỉ yêu cầu 1-2 năm kinh nghiệm

Người trẻ cần làm gì để “nhảy việc” thành công?

Kỹ năng, kỹ năng và kỹ năng

Theo bà Đặng Ngọc Thu Thảo, nhóm lao động trẻ có những lợi thế riêng như khả năng học hỏi nhanh và sự nhiệt tình trong công việc. Tuy nhiên, những lợi thế này cần được phát huy thông qua việc chủ động cập nhật và tích lũy kỹ năng. Bối cảnh thị trường hiện nay đặc biệt coi trọng sự toàn diện ở các kỹ năng – từ chuyên môn, ngoại ngữ, tư duy mở đến khả năng sử dụng công nghệ và thích nghi với thay đổi. Các vị trí tuyển dụng yêu cầu ngày càng cao, không chỉ cần một ngoại ngữ mà nhiều trường hợp cần thêm ngoại ngữ thứ hai và thành thạo kỹ năng chuyên môn. Một số lĩnh vực như IT còn đặt ra tiêu chuẩn cao hơn, đòi hỏi ứng viên phải có nền tảng công nghệ vững.

Đừng bắt đầu khi đã quá muộn

Song song với đó, một bước không thể thiếu là chủ động tìm hiểu về thị trường lao động. Điều này không chỉ dừng lại ở việc tham khảo mức lương trung bình, mà còn bao gồm việc theo dõi xu hướng ngành, tham khảo chia sẻ từ mạng lưới chuyên môn, và nếu có thể, nên xin tư vấn từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình đang hướng đến. Các lao động trẻ cần hiểu rõ bản thân họ đang có gì, thiếu gì và cần bổ sung những gì để đáp ứng kỳ vọng của nhà tuyển dụng. Người lao động cần liên tục tìm hiểu và cập nhật, thay vì chỉ bắt đầu khi đã mất động lực. Chủ động quan sát thị trường giúp người lao động có đủ thời gian để chuẩn bị – từ kỹ năng đến tâm thế – nhằm hạn chế rủi ro và tăng cơ hội thành công trong bước chuyển tiếp tiếp theo.

Người lao động Manpower chuẩn bị kỹ năng và tâm thế để tăng cơ hội thành công trong bước chuyển tiếp theo

Sự cam kết là lợi thế lớn

Theo các chuyên gia lao động, người trẻ thường cần ít nhất một năm để làm quen với công việc, năm thứ hai để đảm nhận vai trò một cách hiệu quả, và từ năm thứ ba trở đi mới thực sự có thể đóng góp nhiều giá trị. Nếu liên tục chuyển việc trong thời gian ngắn, doanh nghiệp sẽ khó xây dựng lộ trình phát triển lâu dài, đồng thời cơ hội thăng tiến của chính người lao động cũng bị giới hạn. Việc ''nhảy việc'' có thể mang lại nhiều lợi ích cho lao động trẻ, nhưng đối với doanh nghiệp, cam kết và sự ổn định vẫn là yếu tố quan trọng. Hồ sơ chuyển việc quá nhiều lần trong thời gian ngắn thường ít được ưu tiên – đặc biệt trong bối cảnh tuyển dụng ngày càng kỹ lưỡng hơn. Thay vì hành động theo cảm xúc hoặc xu hướng nhất thời, người trẻ ngày nay cần nhìn nhận lại mục tiêu nghề nghiệp, đầu tư vào kỹ năng, và chủ động quan sát thị trường để có những bước đi phù hợp. Một quyết định nghỉ việc đúng thời điểm, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẽ tạo tiền đề tốt hơn cho phát triển dài hạn – thay vì chỉ là một bước chuyển mang tính tạm thời.

Nghe trọn vẹn podcast Nhiều người trẻ sợ 'nhảy việc' trên VnExpress Hôm Nay.

Truy cập Cẩm Nang Nghề Nghiệp của ManpowerGroup Việt Nam để biết thêm nhiều tips phát triển sự nghiệp!