Từ đầu năm 2025, “làn sóng tinh giản” là từ khóa chung của nhiều ngành nghề. Từ những “ông lớn” toàn cầu đến những công ty nhỏ và vừa tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc tái cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn, chi phí hiệu quả đang là xu thế chung. Đáng chú ý, đối tượng bị ảnh hưởng không còn chỉ là nhân viên tuyến đầu, mà nhiều quản lý cấp trung – vốn được xem là “xương sống” của doanh nghiệp – cũng đang đối mặt với nguy cơ bị sa thải.
Nguyên nhân chính
Theo bà Đặng Ngọc Thu Thảo, Giám đốc, Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động, Manpower Việt Nam, làn sóng tinh giản nhân sự cấp trung xuất phát từ nhiều nguyên nhân
Chi phí nhân sự cao: Quản lý cấp trung thường nhận được mức lương cao hơn từ 1-2 bậc lương so với nhân viên, tạo áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp trong giai đoạn thắt chặt chi phí.
Tư duy quản lý: Nhiều nhân sự vẫn duy trì phong cách quản lý cứng nhắc và thiếu khả năng thích nghi với các mô hình linh hoạt hay quản trị theo dữ liệu (data-driven).
Chậm thích nghi công nghệ: Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đang thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp, nếu không nhanh chóng thích nghi thì doanh nghiệp sẽ trở nên lỗi thời.
Mô hình tổ chức thay đổi: Nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu đang chuyển dịch sang mô hình tổ chức phẳng hoặc tinh gọn (như Google, Spotify, v.v..) nhằm giảm cấp trung gian để tăng tốc quá trình ra quyết định.
Tăng yêu cầu từ doanh nghiệp: Nhà tuyển dụng ngày nay mong muốn các nhân sự, đặc biệt là quản lý, trở nên đa nhiệm – không chỉ có chuyên môn, kinh nghiệm mà còn cần tư duy đổi mới, linh hoạt và khả năng thích ứng trong môi trường biến động.

Trước tình hình quá khó khăn, một số ít công ty thậm chí cho quản lý cấp trung được lựa chọn giữa hạ chức và giảm lương hoặc nghỉ việc. Tuy nhiên, dù quyết định thế nào, người lao động vẫn đối mặt với sự khó khăn không tưởng.
Thực trạng tìm việc tuổi trung niên
Hậu quả của làn sóng tinh giản khiến nhiều người gần như “mất trắng”, một số người lao động chia sẻ về việc nhận được tin cắt giảm đột ngột dù có vài thập kỷ gắn bó với công ty. Không ít người cũng chia sẻ khó khăn khi phải chật vật đi tìm việc ở tuổi đã ngoài 40. “Sau khi bị cắt giảm, tôi đã nộp đơn gần 40 chỗ nhưng không nơi nào hồi âm. Nếu có may mắn tìm được vị trí tương tự ở một công ty khác, mức lương mới đôi khi chỉ bằng 1/3 vị trí cũ, với nhiều trách nhiệm hơn.” Nhiều người rơi vào tình trạng sa sút tâm lý sau khi bị sa thải do không thể tìm được việc mới.
Bế tắc là không đủ để miêu tả cảm xúc của họ khi bị sa thải tại thời điểm tuyển dụng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Nhiều nhà tuyển dụng hiện nay chuộng ứng viên trẻ, có khả năng ngoại ngữ và thành thạo công nghệ tốt hơn và có kỳ vọng lương, thưởng linh hoạt hơn. Trong trường hợp tệ nhất, một số quản lý cấp trung buộc phải đổi ngành hoặc chấp nhận quay về làm nhân viên để có thu nhập trang trải.
Quản lý cấp trung cần làm gì?
Việc chỉ dựa vào những kinh nghiệm làm việc hay chuyên môn sẵn có là không đủ khi thị trường việc làm thay đổi liên tục như hiện nay. Theo bà Đặng Ngọc Thu Thảo, để tiếp tục được doanh nghiệp trọng dụng, các quản lý cấp trung nên:
Liên tục học hỏi và cập nhật kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm
Cập nhật ứng dụng các công cụ công nghệ để tối ưu năng suất
Thay đổi tư duy linh hoạt trong cách quản lý, khả năng đa nhiệm và sẵn sàng thích ứng tốt với các biến động
Tái định vị bản thân khi tìm việc: điều chỉnh kỳ vọng về phúc lợi phù hợp hơn so với mức hiện tại, có thể là giảm từ 20 - 30% so với ở công ty cũ.

Doanh nghiệp cần chú ý điều gì?
Từ góc độ đơn vị tuyển dụng và tư vấn giải pháp nhân sự, các chuyên gia Manpower Việt Nam quan sát thấy các doanh nghiệp hiện nay đã có sự thay đổi về yêu cầu đặt ra khi tuyển dụng cho các vị trí quản lý cấp trung - sở hữu nhiều bộ kỹ năng hơn, có kinh nghiệm đa dạng hơn, có khả năng học hỏi và tính linh hoạt cao. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mở các vị trí cho chuyên gia nước ngoài, miễn là có kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đánh giá vai trò của quản lý cấp trung hiện tại, không cắt giảm ồ ạt mà nên dựa trên năng lực chuyển đổi và tiềm năng học hỏi. Đồng thời, lãnh đạo nên đầu tư nâng cao và đào tạo lại cho nhóm này, đặc biệt về các kỹ năng số và công nghệ, nhằm tối ưu kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn của họ.
Tinh giản quản lý cấp trung là một phần trong quá trình doanh nghiệp chuyển đổi để thích nghi với kỷ nguyên số và cạnh tranh toàn cầu. Dù có nhiều thách thức, đây cũng là cơ hội để lao động cấp trung làm mới bản thân, nâng cấp năng lực và tái định vị sự nghiệp. Đối với doanh nghiệp, tinh giản không đồng nghĩa với loại bỏ, mà là quá trình sàng lọc và tái cơ cấu đúng người – đúng việc – đúng thời điểm.
Tìm hiểu thêm các giải pháp nhân sự giúp doanh nghiệp tiếp cận và tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và phù hợp với văn hóa tổ chức tại ĐÂY.