Khai Phóng Thế Hệ Lãnh Đạo Nữ
TP Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 11 năm 2020 – Hôm nay, ManpowerGroup Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tổ chức sự kiện “Khai Phóng Thế Hệ Lãnh Đạo Nữ Mới” (trực tuyến và trực tiếp). Sự kiện đặt ra mục tiêu tìm hiểu vì sao các tổ chức cần phát huy vai trò lãnh đạo của nữ giới, đồng thời xác định các trở ngại đối với lãnh đạo nữ, từ đó góp phần thu hẹp sự bất bình đẳng giới. Người tham dự đã cùng thảo luận các giải pháp giúp vượt qua các định kiến về giới nhằm nâng cao tính hiệu quả trong vận hành tổ chức.
Ngày nay, phụ nữ chiếm hơn 50% lực lượng lao động toàn cầu, nhưng chưa đến 25% lao động nữ giữ vai trò lãnh đạo cấp cao. Nhận định về thực tế này, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn Intel tại Việt Nam và Malaysia, chia sẻ rằng các tổ chức và công ty cần hiểu vì sao họ cần thúc đẩy vai trò của lãnh đạo nữ, những thách thức nào đang chờ đón họ và làm thế nào giúp phụ nữ phát huy hết tiềm năng của mình bởi họ xứng đáng có cơ hội bình đẳng như nam giới. Bà Thái Vân Linh, Nhà đầu tư, Cố vấn và đồng thời là một người mẹ, nhấn mạnh rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo cần nhận thức rõ các định kiến về nữ giới và có những động thái thích hợp để vượt qua rào cản về giới nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của tổ chức.
Hiện nay đại dịch COVID-19 còn gây ra nhiều thách thức hơn trước đây. Nghiên cứu mới nhất do tập đoàn ManpowerGroup thực hiện “Tương Lai Cho Người Lao Động, Vì Người Lao Động” cho thấy phụ nữ bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế và xã hội lâu dài hơn so với nam giới. Phụ nữ có nhiều nguy cơ phải nghỉ việc tạm thời, lo ngại hơn về việc quay trở lại nơi làm việc và chiếm đa số trong các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
Bà Carine Rolland, Giám đốc Nhân sự và Văn hoá Doanh nghiệp của ManpowerGroup khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông cho biết: “Các nhà lãnh đạo cần hiểu rõ nhu cầu của lao động nữ để tránh những định kiến vô thức khi triển khai các phương thức làm việc linh hoạt và những chính sách nhằm giúp phụ nữ an toàn và phát huy hết tiềm năng của họ.” Bà Carine Rolland cũng nhấn mạnh rằng bước đầu tiên để vượt qua những thành kiến này là phải thừa nhận chúng. Việc thách thức các giả định của các lãnh đạo về nữ giới đồng nghĩa với việc nhận thức được các thành kiến về giới, từ đó đề ra các phương án điều chỉnh hợp lý.
Trong số các giải pháp nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của phụ nữ, các tổ chức cần tuyển dụng nhiều phụ nữ hơn, tạo điều kiện giúp họ thăng tiến nhiều hơn và giảm tỉ lệ nghỉ việc ở lao động nữ. Bên cạnh đó, thay vì nói: “cô ấy không có kinh nghiệm”, nhà lãnh đạo cần đặt câu hỏi: “chúng ta cần làm gì để phụ nữ có thể đảm trách tốt vai trò này?” Chỉ khi đó chúng ta mới có thể tìm ra phương thức vượt qua các rào cản văn hoá. Cuối cùng và không kém phần quan trọng, bà Carine Rolland nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các lãnh đạo nam đi đầu trong triển khai mục tiêu này.