Đánh giá tác động của đại dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
Khảo sát Xu hướng Tuyển Dụng Nửa Cuối Năm 2021 của ManpowerGroup Việt Nam nhằm dự đoán nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc khủng khoảng y tế toàn cầu đang diễn ra gay gắt. Khảo sát được thực hiện từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2021 trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, cũng là đợt dịch có quy mô và tính chất phức tạp nhất từ trước đến nay, đã lan rộng và ảnh hưởng đến 62/ 63 tỉnh thành. Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vào tháng 7 vừa qua, trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Các công ty vừa và nhỏ có từ 10 - 250 lao động chiếm gần 2/3 các doanh nghiệp tham gia khảo sát (63,1%). Các đơn vị tham gia khảo sát hoạt động trong 17 ngành nghề, từ Sản xuất & Chế biến Chế tạo, Bán sỉ, Bán lẻ & Thương mại, Công nghệ thông tin (CNTT), Giáo dục & Đào tạo cho đến Xây dựng, Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Dịch vụ Vận Tải, Truyền thông, Dịch vụ Lưu trú, Bất động sản…
Tại thời điểm khảo sát, có đến trên 40% nhà tuyển dụng cho biết doanh nghiệp của họ chịu tác động từ mức nhẹ đến trung bình bởi đại dịch (hoạt động kinh doanh sản xuất bị ảnh hưởng từ 1% - 49%), hơn 19% cho biết họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (từ 50% đến 79%) và khoảng 4% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng nhất như phải đóng cửa hay có nguy cơ ngừng hoạt động. Như vậy số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ mức độ nhẹ cho đến nghiêm trọng chiếm gần 64% tổng số đơn vị tham gia khảo sát. Và số doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn chiếm khoảng 36%. Tuy tỉ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cao hơn so với nửa đầu năm 2021, những con số này thể hiện rõ nỗ lực và quyết tâm của toàn nền kinh tế và sự đồng hành của Chính phủ thông qua các chính sách phòng chống dịch quyết liệt, hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã kéo dài hơn ba tháng qua với tính chất và diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt với nhiều thách thức hơn trong thời gian tới.
Kế hoạch tuyển dụng duy trì ở mức lạc quan trong nửa cuối năm 2021
Theo Tổng cục Thống kê, bất chấp những khó khăn do diễn biến phức tạp và khó lường của đợt dịch lần này, Việt Nam vẫn đạt được mức tăng GDP 6 tháng đầu năm 2021 là 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế .
Mặc dù mức tăng trưởng dương thể hiện sự lạc quan của nền kinh tế, xu hướng tuyển dụng trong nửa cuối năm 2021 được dự đoán sẽ giảm ít nhiều so với hai quý đầu năm. Cụ thể hơn một nửa số doanh nghiệp (53,3%) có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng, trong khi hơn một phần tư (27%) đơn vị cho hay họ không có ý định tuyển thêm. Như vậy tổng số doanh nghiệp có ý định gia tăng tuyển dụng hay duy trì số nhân sự hiện tại đạt hơn 80% (so với tỉ lệ tổng tỉ lệ tương ứng của hai quý đầu năm là 93%). Trong hai quý cuối năm, gần một phần năm (19,7%) doanh nghiệp tham gia khảo sát cho hay có ý định giảm tuyển dụng.
Theo Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc dịch vụ Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn nhân sự của ManpowerGroup Việt Nam “Trong khối dịch vụ Tuyển dụng Nhân sự cấp cao và vị trí toàn thời gian, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tuyển dụng vẫn gia tăng, nổi bật là các ngành CNTT, Điện tử, Năng lượng, Công nghệ cao, Y tế… Đặc biệt, giữa bối cảnh thị trường lao động nhiều khó khăn hiện nay, các vị trí chuyên gia IT cấp cao và chuyển đổi mô hình kinh doanh (business transformation) vẫn rất khó tuyển. Hơn nữa, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu, nhu cầu về nhân lực có kỹ năng số hóa tăng nhanh và mạnh hơn bao giờ hết, ví dụ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.”
Một phát hiện quan trọng khác từ kết quả khảo sát chính là nhu cầu tuyển dụng đang có xu hướng phục hồi và quay trở lại mức trước COVID-19, dù không mạnh mẽ bằng giai đoạn nửa đầu năm 2021. Cụ thể, 40% doanh nghiệp dự báo hoạt động tuyển dụng của họ sẽ trở lại mức trước đại dịch trong vòng 3 tháng tới, và hơn 24% doanh nghiệp dự báo phục hồi tuyển dụng trong thời gian 6 tháng tới.
Tuy nhiên trong dài hạn, hơn một phần tư (26,3%) doanh nghiệp dự đoán sẽ phải mất một năm hoặc hơn để hoạt động tuyển dụng của họ quay trở lại bình thường như thời điểm trước đại dịch.
Triển vọng tuyển dụng quay lại mức trước đại dịch trong vòng 3 đến 6 tháng tới thể hiện rõ nhất trong 6 lĩnh vực hàng đầu, gồm Sản xuất & Chế biến Chế tạo, Bán sỉ, Bán lẻ & Thương mại, Công nghệ thông tin, Giáo dục & Đào tạo, Xây dựng và Dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp. Ngành Sản xuất & Chế biến Chế tạo với vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế chiếm tới 26,5% số doanh nghiệp kỳ vọng tuyển dụng phục hồi trong 3 – 6 tháng tới. Hai lĩnh vực Bán sỉ, Bán lẻ & Thương mại, và CNTT đều có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, lần lượt chiếm 16,3% và 15,3% các doanh nghiệp kỳ vọng tuyển dụng phục hồi trong ngắn hạn.
Bà Lê Thị Kim, Giám đốc Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động miền Bắc, ManpowerGroup Việt Nam, cho biết “Từ khi đại dịch diễn ra đến nay, thị trường trong nước đang chứng kiến xu hướng chuyển dịch của các nhà máy sản xuất từ nước ngoài sang Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với nhiều cơ hội việc làm đang mở ra cho lao động Việt. Đáng chú ý, một tỉ lệ lớn các đơn hàng tuyển dụng theo hình thức Khoán việc và Cho thuê lại lao động của ManpowerGroup Việt Nam đến từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo như lắp ráp linh kiện điện tử, ô tô, xe máy, sản xuất bao bì, kho bãi & vận chuyển, xây dựng hạ tầng giao thông…”
Khảo sát còn hỏi ý kiến của doanh nghiệp về cách sắp xếp hình thức làm việc đảm bảo an toàn cho người lao động đồng thời đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Các đơn vị tham gia khảo sát cho biết họ dự kiến áp dụng nhiều hình thức làm việc cho nhân viên trong vòng 3 – 6 tháng tới tùy vào đặc thù của mỗi ngành nghề. Một phần tư số doanh nghiệp tham gia khảo sát vẫn mong muốn duy trì hình thức làm việc toàn thời gian tại công sở như thời điểm trước dịch. Đáng chú ý có đến hơn 41% doanh nghiệp sẽ áp dụng đồng thời cả hai hình thức làm việc ở văn phòng và làm việc từ xa trong khi gần 22% doanh nghiệp lựa chọn áp dụng các ca làm việc linh hoạt (đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất). Và chỉ gần 9% đơn vị dự định áp dụng cho nhân viên làm việc toàn thời gian ngoài công sở.
Trước bối cảnh thiếu hụt nhân tài do đại dịch gây ra hiện nay, các doanh nghiệp cho biết họ có kế hoạch sử dụng nhiều nhóm dịch vụ nhân sự đa dạng, trong đó Khoán việc & Cho thuê lại lao động và Tuyển dụng nhân sự cấp cao & Tuyển dụng vị trí cố định là hai nhóm dịch vụ chính được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất, với tỉ lệ lần lượt là 41,4% và 40,8%. Theo sau đó, gần 30% doanh nghiệp dự định sử dụng các dịch vụ Tư vấn nhân sự như Chuyển đổi nghề nghiệp hay Phát triển năng lực lãnh đạo. Dịch vụ Xin giấy phép lao động cho người nước ngoài và Thuê ngoài quy trình tuyển dụng (RPO) cũng được chọn như những giải pháp phù hợp trong giai đoạn sắp tới, với tỉ lệ được chọn lần lượt đạt trên 15% và 11%.
Về khảo sát
Khảo sát này do nhóm Nghiên cứu của ManpowerGroup Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ Việc Làm Quốc Gia (thuộc Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội) thực hiện từ ngày 14 tháng 5 đến 14 tháng 7 năm 2021 đối với 152 nhà tuyển dụng thuộc 17 ngành nghề khác nhau trên toàn quốc. Đối tượng tham gia khảo sát là các Trưởng phòng Nhân sự, Trưởng phòng Thu hút nhân tài thuộc các ngành đa dạng, từ Sản xuất & Chế biến Chế tạo, Xây dựng, Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Tài chính, Ngân hàng, Bán sỉ, Bán lẻ & Thương mại, Dịch vụ Du lịch, Khách sạn, Hàng không, Công nghệ thông tin – Truyền thông, Thực phẩm & Đồ uống, Bất động sản…