2 tháng trước -

10 sai lầm khi viết CV khiến công sức thành muối bỏ bể

10 sai lầm khi viết CV khiến công sức thành muối bỏ bể

​Vậy là bạn đã gửi lá đơn ứng tuyển thứ 50 trong tuần này. Khi nộp CV, bạn nghĩ rằng mình đã trau chuốt thật hoàn hảo và vô cùng lạc quan cũng như tự tin vào lá đơn ấy. Nhưng hàng ngày, hàng tuần trôi qua, hộp thư đến trong email vẫn im ắng một cách lạ kỳ, điện thoại không reo và cảm giác bị từ chối bắt đầu nhen nhóm. Nghe có vẻ quen phải không?

Có một sự thật là 75% - 80% hồ sơ ứng tuyển không thể vượt qua được vòng sàng lọc ban đầu. Nhưng trước khi nản chí, có một bí mật bạn nên biết đó là rất có thể CV - công cụ lẽ ra giúp bạn lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng, lại khiến bạn đánh mất cơ hội mà không hề hay biết.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những lỗi tiềm ẩn trong CV khiến bạn “bỏ lỡ” công việc mơ ước. Chỉ cần khắc phục được những lỗi này, bạn sẽ khiến nhà tuyển dụng “quay xe” ngay lập tức.

Tránh viết mục tiêu không khách quan

Chúng ta hãy bắt đầu với một lỗi kinh điển đó là viết mục tiêu nghề nghiệp chung chung. Chẳng hạn như “Tìm kiếm một vị trí thử thách trong công ty danh tiếng”. Một câu như này khá nhàm chán bởi nó không tiết lộ cho nhà tuyển dụng bất kỳ điều gì về bạn.

Thay vào đó, hãy tóm tắt mục tiêu nghề nghiệp một cách hấp dẫn, thể hiện giá trị độc đáo để chứng minh “Tôi là nhân tố sáng giá mà công ty đang tìm kiếm và khiến nhà tuyển dụng muốn đọc tiếp. Hãy nhớ rằng, bạn không chỉ tìm kiếm một công việc - mà còn cung cấp giải pháp cho các vấn đề của công ty.

Thay vì viết “Tìm kiếm một vị trí thử thách trong công ty danh tiếng”, hãy thử đổi thành “Chuyên gia marketing năng động với hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực digital marketing, được đánh giá cao về khả năng thúc đẩy traffic và tăng tỷ lệ chuyển đổi thông qua các chiến lược sáng tạo.” Bạn nhận thấy sự khác biệt giữa 2 cách thể hiện chứ? Và nhà tuyển dụng cũng vậy.

Hãy để con số làm chủ cuộc chơi

Cụ thể hóa thành tựu bằng những con số trong CV ứng tuyển

Cụm từ “Doanh số được cải thiện” nghe có vẻ ấn tượng đúng không, nhưng cách nói này thực chất quá mơ hồ. Hãy suy nghĩ sâu hơn và đưa ra một con số cụ thể.

Chẳng hạn “Tăng 15% doanh số mỗi quý bằng cách triển khai chương trình giữ chân khách hàng và biến những khách hàng mua một lần thành khách hàng trung thành.” Việc lượng hóa thành tích giúp nhà tuyển dụng hình dung rõ ràng về những ảnh hưởng của bạn. Nếu muốn thể hiện những gì bạn có thể đem lại cho doanh nghiệp, đừng ngại tự khen bản thân. Ai mà không thích một câu chuyện về sự thành công chứ?

Đừng đưa mọi thứ vào CV

Có thể công việc làm thêm bán trà sữa vào mùa hè năm nào là một dấu mốc đáng nhớ đã thay đổi cuộc đời bạn. Nhưng trừ khi bạn đang ứng tuyển vào Phúc Long, chứ nếu đang ứng tuyển vào một công ty công nghệ thì đề cập đến những kinh nghiệm không liên quan kiểu như vậy thực sự không phù hợp.

CV không phải là bản tóm tắt về câu chuyện cuộc đời bạn - mà là một thước phim ngắn nổi bật về những kinh nghiệm việc làm liên quan. Hãy mạnh dạn loại bỏ bất kỳ những gì không liên quan trực tiếp tới công việc đang tìm kiếm. Cũng như ví dụ ở trên, nhà tuyển dụng công ty công nghệ không cần biết đến kỹ năng pha trà sữa béo ngậy của bạn đâu.

Để làm được điều đó, hãy tự hỏi bản thân: Kinh nghiệm này có chứng minh được kỹ năng hoặc thành tích liên quan đến công việc đang ứng tuyển hay không? Nếu không, hãy bỏ chúng ra.

Hạn chế viết từ mô tả chung chung

Nếu CV của bạn đọc giống như một trò chơi về những từ ngữ thông dụng của công ty, thì đã đến lúc cần xem xét thực tế. Những cụm từ như “hợp tác”, “dám nghĩ dám làm”, “tư duy đột phá”, bị lạm dụng quá nhiều đến mức chúng mất hết ý nghĩa.

Thay vào đó hãy viết bạn là người “có tinh thần đồng đội” bằng việc kể một câu chuyện về cách bạn hợp tác với đồng nghiệp để đáp ứng thời hạn gấp rút. Hãy thể hiện rõ ràng, đừng chỉ nói suông. Những ví dụ thực tế sẽ có sức mạnh truyền đạt lớn hơn bất kỳ câu nói sáo rỗng nào.

Định dạng chỉn chu và thông dụng

Tránh các lỗi đánh máy khi viết CV ứng tuyển như sai chính tả, lỗi phông chữ, bố cục không đồng đều

Không điều gì bày tỏ sự thiếu nghiêm túc của bạn cho một vị trí nào đó bằng một bản CV không chỉn chu. Phông chữ lộn xộn, khoảng cách không đồng đều và bố cục khó theo dõi - tất cả những yếu tố này sẽ cho bạn một tấm vé thẳng ra “chuồng gà”.

Mặc dù sử dụng những phông chữ trông có vẻ nhàm chán sẽ không thú vị bằng, nhưng hãy hạn chế sử dụng những phông kiểu Comic Sans. Những phông chữ “uyển chuyển” có thể khiến bạn nổi bật nhưng không phải theo hướng tích cực.

Thay vào đó, hãy sử dụng các phông chữ được nhiều người ưa chuộng như:

  • Arial

  • Calibri

  • Cambria

  • Georgia

  • Helvetica

Giữ CV sạch sẽ, nhất quán và hãy chọn một phông chữ bình thường. CV của bạn cần dễ đọc chứ không phải một câu đố cần giải.

Và nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm mẫu mình thích, hãy dùng những mẫu CV miễn phí có sẵn trên mạng.

Kiểm tra kỹ trước khi gửi

Kiểm tra kỹ lại các thông tin trong CV ứng tuyển một cách kỹ càng trước khi nộp cho nhà tuyển dụng

Chắc hẳn ai cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh phát hiện ra một lỗi đánh máy ngay sau khi nhấn "gửi" và cảm giác ấy vô cùng đau khổ. Nhưng đây là sự thật phũ phàng, chỉ một lỗi đánh máy cũng có thể tạo nên sự khác biệt giữa “Bạn đã được tuyển dụng!” và “Cảm ơn, rất tiếc bạn không phù hợp!”

Hãy kiểm tra kỹ càng CV lần cuối như thể sự nghiệp của bạn dành hết vào đó. Nếu được, hãy nhờ một người bạn thành thạo ngữ pháp xem lại. Một người ngoài xem lại mới có thể phát hiện ra những thứ bạn đã bỏ sót.

Những lỗi ngớ ngẩn khi sử dụng email

Địa chỉ email thường là điều đầu tiên mà nhà tuyển dụng nhìn thấy - hãy đảm bảo chúng thể hiện đúng thông điệp bạn muốn gửi đi.

Hãy giữ nguyên tên thật của bạn trên địa chỉ email. Điều này có vẻ không thú vị nhưng là điều cần thiết để thể hiện sự chuyên nghiệp. Hãy dành sự sáng tạo cho công việc thực tế chứ không phải thông tin liên lạc.

Đừng chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân

Nhà quản lý tiềm năng không cần biết tuổi tác, tình trạng hôn nhân hay việc bạn nuôi một chú mèo tên Daisy làm thú cưng. Trên thực tế, ở nhiều nơi, việc doanh nghiệp cân nhắc những thông tin này khi tuyển dụng là bất hợp pháp.

Hãy giữ thái độ chuyên nghiệp. Tập trung vào kỹ năng, kinh nghiệm, chứng chỉ và những gì bạn có thể đem lại. Hãy bỏ những thông tin bên lề như chú mèo Daisy sang một bên (trừ khi bạn đang ứng tuyển vào vị trí quản lý sở thú, lúc ấy, Daisy có thể là vũ khí bí mật của bạn).

Tập trung vào thành tựu đạt được

Việc liệt kê mọi nhiệm vụ từng làm cũng giống như đọc danh bạ điện thoại, liệu bạn có nhớ được từng chi tiết hay không? Thay vào đó, hãy tập trung vào những thành tựu lớn đã đạt được.

Đừng chỉ nói bạn “quản lý một nhóm”. Hãy viết bạn “lãnh đạo một nhóm gồm 10 thành viên hoàn thành dự án 1 triệu đô trước thời hạn và dưới ngân sách, dẫn đến tăng 20% sự hài lòng của khách hàng.” Đó mới là những điều bạn nên thể hiện trong CV của mình.

Đừng viết chung một CV cho tất cả các công việc

Mỗi công việc đều có những đặc điểm riêng và CV cũng vậy. Mặc dù việc dành tâm huyết điều chỉnh CV cho từng công việc rất phức tạp, tốn thời gian và công sức nhưng hãy cố gắng làm nổi bật kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp nhất với mỗi công việc đó. Điều này cho thấy sự nghiêm túc của bạn với vị trí, và chắc chắn hoàn toàn xứng đáng.

Hãy nhờ rằng, CV giống như một tờ quảng cáo bản thân. Hãy làm cho nó đem lại nhiều giá trị, thực tế và thật thú vị.

Hãy dành thời gian xem xét và chỉnh sửa CV bằng những lời khuyên mà bạn đã học được trong bài viết này. Bằng cách thực hiện một vài điều thay đổi nhỏ này cũng có thể tăng đáng kể cơ hội chinh phục nhà tuyển dụng và giành được cơ hội phỏng vấn quý giá.