Đầu năm ngoái, tôi vẫn nhớ mình đã ngồi lướt mạng xã hội và đếm xem đã nhìn thấy câu "Năm nay sẽ thật bứt phá" xuất hiện bao nhiêu lần. Giữa những tuyên ngôn “sống vội” và những dự đoán từ AI, tôi gập laptop lại và tự hỏi:"Sao mục tiêu công việc lại nghe như AI viết cho một bài nói 'truyền cảm hứng' nhỉ?"
Chúng ta đang sống trong thời đại mà những chuyện như xin lỗi cả team vì mèo cưng chạy ngang qua bàn phím, hay nhận ra giữa buổi họp rằng mình đang chia sẻ nhầm màn hình là điều hoàn toàn bình thường. Vậy mà cứ sang năm mới, chúng ta lại viết mục tiêu cho công việc nghe như đang thử vai diễn giả truyền cảm hứng.
Sao năm nay chúng ta không thử viết mục tiêu công việc nghe "có hồn" hơn nhỉ? Những mục tiêu này thậm chí chấp nhận cả tính lười biếng, hay hậu đậu của chính bạn trong công việc.
Mục tiêu #1: Trì hoãn có chiến lược
Thành thật mà nói – giống như hứa với bản thân sẽ không bao giờ ăn đồ ăn nhanh nữa; ai cũng biết đó là lời nói suông. Thay vào đó, hãy biến sự trì hoãn thành một công cụ hữu ích. Lần tới, khi bạn cố né tránh làm một công việc quan trọng, hãy dùng thời gian đó để dọn dẹp lại các thư mục trên máy tính. Đúng vậy, hãy dọn tất cả 47 thư mục tên là "Thư mục mới" kèm theo những con số đi sau.
Những việc nhỏ bạn hoàn thành trong lúc trì hoãn thực ra lại tạo nên hiệu quả thực sự. Đôi khi, cho não nghỉ ngơi một chút khỏi công việc đầy áp lực chính là cách giúp bạn quay lại với nó một cách tỉnh táo hơn.
Mục tiêu #2: Sắp xếp lại những thư mục trên máy tính
Bạn còn nhớ cái file tên là "FINAL_Final_v7.docx" mà tuần trước bạn mất 45 phút để tìm không? Hãy xử lý nó trước. Bắt đầu bằng hành động nhỏ: mỗi tuần dọn một thư mục. Đến cuối năm, bạn có thể thực sự biết mọi thư mục của mình nằm ở đâu.
Điều tuyệt nhất là, mỗi thư mục bạn dọn dẹp gọn gàng giống như để lại một món quà nhỏ cho chính bạn trong tương lai – bớt một lần tìm kiếm điên cuồng là bớt một email "Gửi lại giúp mình file này được không?", và bớt những giây phút hoảng loạn khi sếp hỏi về tài liệu từ ba tháng trước. Và không giống như những mục tiêu đòi hỏi nhiều công sức, mục tiêu này chỉ cần bạn dành ra năm phút để quyết định xem "Tài liệu quan trọng 2024" và "Tài liệu quan trọng 2024 (2)" có thực sự quan trọng hay không.
Mục tiêu #3: Giữ sức khỏe kể cả khi đang làm việc
Không, mục tiêu này không phải về việc dành cả ngày trong phòng gym hay chỉ uống nước ép cần tây cho qua bữa. Nó đơn giản là về việc không ngồi ghế liên tục suốt tám tiếng mỗi ngày.
Hãy thử những mẹo nhỏ này để cải thiện sức khỏe khi đang làm việc:
Sắm một chậu cây (nếu cây sống sót qua lễ Tình nhân, bạn xứng đáng được nhận phần thưởng)
Thi thoảng đi thang bộ thay vì thang máy
Tận dụng lúc nghe điện thoại để vươn vai, giãn cơ
Nhớ rằng bữa trưa không phải là tùy chọn, mà là bữa ăn bắt buộc
Hãy thử đứng làm việc - nếu bạn có thể đứng lâu hơn thời gian uống hết ly cà phê thì cũng đáng khen rồi.
Mục tiêu #4: Nâng cấp hình ảnh bản thân
Đã đến lúc nâng cấp hình ảnh trên mạng xã hội từ “phiên bản 2016” thành “phiên bản 2025” rồi. Bắt đầu từ tấm ảnh LinkedIn với bàn tay của người khác khoác trên vai bạn (đúng vậy, ai cũng nhìn thấy rồi).
Tuy vậy, việc này không chỉ là để "nhìn đẹp hơn" ở trên mạng – mà là để chia sẻ về con đường sự nghiệp của bạn theo cách gần gũi hơn.
Hãy thử làm mới hình ảnh trên mạng xã hội bằng những cách sau:
Đừng dùng ảnh cắt từ "đám cưới anh họ" mà hãy thay bằng một tấm ảnh "xịn xò" hơn.
Viết một phần giới thiệu tự nhiên, đừng cố gắng nhồi nhét từ khóa.
Cập nhật CV của mình (nhưng “biết dùng Microsoft Word” giờ không còn là kỹ năng đặc biệt nữa đâu).
Khoe những “siêu năng lực” thực sự của bạn: biến những dữ liệu hỗn độn thành bảng tính gọn gàng, kết thúc các cuộc họp đúng giờ, hoặc dịch ngôn ngữ kỹ thuật thành một câu dễ hiểu hơn.
Đừng ngại chia sẻ những chiến tích nhỏ của bạn – biết sửa máy in ở văn phòng đôi khi biến bạn thành người hùng hơn là chứng chỉ blockchain trên tường.
Và cuối cùng, đã đến lúc vĩnh biệt những email đặt tên "nhảm nhí" rồi (chẳng hạn như: sieunhan99@gmail.com)
Nhà tuyển dụng không chỉ cần một danh sách kỹ năng dài dằng dặc. Họ muốn biết cách bạn xử lý những tình huống khó hơn như giữ bình tĩnh khi hệ thống sập toàn bộ, hay xoay sở một nhiệm vụ với thời hạn gấp gáp.
Mục tiêu #5: Luôn luôn nói "Cảm ơn"
Mỗi tháng, hãy gửi một lời cảm ơn chân thành tới đồng nghiệp. Hãy cảm ơn anh IT đã “cứu bạn một bàn thua trông thấy” khi bạn “lỡ tay” xóa sạch dữ liệu trong ổ đĩa chung; hay người đồng nghiệp luôn lấp đầy tủ snack với những thanh socola. Hãy coi đó như một cách để ghi điểm với đồng nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở việc tốt bụng với mọi người, việc thể hiện lòng biết ơn còn giúp môi trường làm việc trở nên tích cực và thoải mái hơn. Khi ai cũng muốn được coi là “người chu đáo nhất,” việc được biết đến là người luôn chú ý và trân trọng đóng góp của người khác cũng tốt đấy chứ!
Mục tiêu #6: Học thêm những thứ bạn thực sự muốn học
Đừng cố ép mình học Python nếu bạn thấy việc xem sơn khô còn thú vị hơn. Thay vào đó, hãy tập trung vào thứ mà bạn thực sự quan tâm – như cách tạo PowerPoint để không khiến mọi người ngủ gật, hoặc học những phím tắt Excel khiến bạn cảm thấy mình như một “ảo thuật gia.”
Vì khi thực sự hứng thú, bạn sẽ dễ dàng tiếp thu hơn, từ đó có thể áp dụng những gì đã học vào thực tế.
Mục tiêu #7: Lập “Danh sách những mục tiêu đã hoàn thành”
Bỏ qua mấy danh sách việc cần làm dài lê thê đi. Thay vào đó, hãy lập một danh sách “Những mục tiêu đã hoàn thành”. Ví dụ:
Sửa máy in (có thể bật tắt như một thiên tài công nghệ thực thụ)
Tham gia cả một cuộc họp mà không nói “ờm” (hoặc chỉ "ờm" 2 lần)
Sống sót qua ngày thứ Hai mà không cần đến trà sữa “chữa cháy” (thứ Tư thì tính sau)
Tham gia họp video mà không ai nói “Bạn đang tắt mic rồi”
Cuối cùng cũng nhớ được tên chị Loan bên kế toán
Mỗi ngày kết thúc, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những việc chưa làm xong. Nhưng ghi lại những “thành tích nhỏ” sẽ giúp bạn tự tin hơn và nhận ra mình thực sự đang tiến bộ, nhất là vào những ngày mà hội chứng “tôi không đủ giỏi” bỗng dưng kéo đến.
Hãy biến những mục tiêu này thành thói quen
Đừng cố gắng biến mình thành một con người hoàn toàn mới ngay từ ngày thứ hai của năm mới, như vậy chẳng khác nào cố ăn hết hai chiếc bánh chưng cùng một lúc – nghe chẳng thực tế chút nào. Hãy chỉ chọn một thứ và bắt đầu từ đó. Hãy nghĩ nó như đòn bẩy cho sự nghiệp của bạn, nhưng ít tính toán hơn và nhiều tha thứ hơn cho những ngày bạn viện cớ "mạng lag" để tắt camera.
Chúng ta không cần thêm một danh sách nữa để "tối ưu hóa tiềm năng" hay "phát huy năng lực hợp tác". Đã có quá đủ những bài đăng LinkedIn của các KOL với lịch trình dậy từ 4 giờ sáng, sau đó ngồi thiền, nhảy vào bể nước lạnh và chạy marathon rồi. Điều chúng ta thực sự cần là được sống đúng với bản thân ở nơi làm việc. Được thừa nhận rằng đôi khi hệ thống phân loại của mình là một mớ hỗn độn, bàn làm việc đầy dấu vết của bánh kẹo, ô mai, và thậm chí chúng ta đã đặt tên cho mấy cục bụi dưới màn hình.
Sự phát triển nghề nghiệp tốt nhất không đến từ việc giả vờ làm một "siêu nhân" công sở, luôn hoàn thành deadline và luôn nhớ bật mic trước khi nói. Nó đến từ việc dù quên bật mic, nhưng cười trừ vì chuyện đó, và sau đó vẫn chia sẻ ý tưởng tuyệt vời của mình. Vì vậy, hãy chọn một trong những mục tiêu trên. Nhỏ thôi nhưng hãy thật kiên trì với nó.
Tìm hiểu thêm nhiều bí kíp hữu ích để thành công trong công việc TẠI ĐÂY.