Dự báo đến năm 2030,Gen Z sẽ chiếm 1/3 lực lượng lao động toàn cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là số lượng – mà là tác động định hình văn hóa làm việc mới của họ. Không chỉ đang chiếm một tỷ lệ ngày càng lớn trong lực lượng lao động, Gen Z đang góp phần tái định nghĩa lại văn hóa doanh nghiệp. Với những kỳ vọng mới về sự linh hoạt, sức khỏe tinh thần và cơ hội phát triển nghề nghiệp, thế hệ này buộc doanh nghiệp phải thay đổi nếu muốn giữ chân nhân tài trẻ.
Gen Z đang thiết lập tiêu chuẩn mới
1. Sự linh hoạt: không chỉ là khẩu hiệu
Theo báo cáoWorld of Work: Generation Z của ManpowerGroup năm 2025, Gen Z đặc biệt đề cao sự linh hoạt và cân bằng cuộc sống – công việc, và xem đây là những yếu tố không thể thiếu khi lựa chọn nơi làm việc. Họ muốn được lựa chọn thời gian, địa điểm, và hình thức làm việc sao cho hiệu quả nhất. Đáp lại kỳ vọng đó, 73% nhà tuyển dụng toàn cầu đang áp dụng các chính sách linh hoạt về thời gian làm việc nhằm thu hút và giữ chân thế hệ này.
Thế hệ này coi trọng hiệu quả hơn thời gian chấm công, và mong muốn một môi trường làm việc nơi họ được trao quyền tự chủ, nhưng vẫn gắn với trách nhiệm và kết quả rõ ràng.
2. Sức khỏe tinh thần: được ưu tiên hơn bao giờ hết
Thế hệ trẻ không ngần ngại lên tiếng về cảm xúc và áp lực của mình tại nơi làm việc. Với Gen Z, một môi trường lý tưởng phải tôn trọng sự đa dạng cảm xúc, hỗ trợ tinh thần, và cho phép họ được là chính mình.
52% Gen Z cho biết họ trải qua căng thẳng cao mỗi ngày trong năm 2024 – cao hơn bất kỳ thế hệ nào khác. Gần 46% được chia sẻ rằng khối lượng công việc đang chiếm ảnh hưởng quá nhiều đến việc cân bằng đời sống cá nhân.
Gen Z mong muốn một môi trường làm việc hỗ trợ toàn diện, nơi họ cảm thấy an toàn về tâm lý, được là chính mình và có thể đóng góp ý kiến. Họ ưu tiên những nơi làm việc duy trì các chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần, cùng với chính sách DEIB (Đa dạng – Công bằng – Hòa nhập – Cảm giác thuộc về). Các doanh nghiệp cắt giảm những hỗ trợ này sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh trong thu hút và giữ chân nhân tài trẻ.
3. Lộ trình phát triển – “nam châm” giữ chân người trẻ
Gen Z không thiếu động lực – họ thiếu hướng đi rõ ràng. Báo cáo ManpowerGroup chỉ ra rằng 47% Gen Z đang cân nhắc rời công việc hiện tại chỉ trong 6 tháng tới, nhưng cũng là thế hệ thiếu tự tin nhất trong việc tìm được công việc phù hợp.
Họ cần được thấy trước tương lai của mình tại tổ chức. Đây là lí do khiến 73% nhà tuyển dụng đang tăng đầu tư vào cơ hội phát triển nghề nghiệp nội bộ để đáp ứng nhu cầu này.

Giải Pháp Từ Doanh Nghiệp: Tái Thiết Văn Hóa Từ Gốc
Dưới đây là chiến lược giúp tạo ấn tượng tốt với Gen Z mà doanh nghiệp nên bắt đầu ngay hôm nay:
1. Chủ động linh hoạt
Xây dựng mô hình làm việc kết hợp (hybrid) với quyền tự chọn thực sự, không ép buộc. Đầu tư công cụ công nghệ hỗ trợ cộng tác và đánh giá kết quả theo hiệu quả, không theo giờ làm.
2. Cấp trên sẵn sàng hỗ trợ trong mọi hoàn cảnh
Lãnh đạo cần sẵn sàng trao đổi hai chiều, minh bạch về kỳ vọng, đồng thời công nhận giá trị của nhân viên theo năng lực thay vì thâm niên làm việc.
3. Thiết kế lộ trình sự nghiệp rõ ràng
Tổ chức mentoring, career check-in định kỳ, và cá nhân hóa hành trình phát triển cho từng nhân viên trẻ.
4. Nuôi dưỡng văn hóa lắng nghe
Xây dựng workplace an toàn tâm lý – nơi Gen Z được là chính mình, được thấu hiểu, và được đồng hành.
Gen Z không “đòi hỏi” – họ đang thiết kế lại công sở theo cách họ sống và làm việc. Thế hệ này mang đến cơ hội tái tạo môi trường làm việc tốt hơn: linh hoạt hơn, con người hơn và phát triển bền vững hơn. Doanh nghiệp nào hiểu được điều này và đổi mới văn hóa từ bên trong sẽ là người dẫn đầu trong cuộc đua thu hút và giữ chân nhân tài thế hệ mới.