khoảng 2 năm trước -

Xu hướng mới trong thị trường lao động và tuyển dụng năm 2022

Xu hướng mới trong thị trường lao động và tuyển dụng năm 2022

​Ngày 20/01/2021 vừa qua, ManpowerGroup Việt Nam phối hợp cùng AmCham Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Xu hướng mới trong thị trường lao động và tuyển dụng năm 2022”. Hội thảo nhằm chia sẻ những cơ hội đang mở ra cho các doanh nghiệp để đối mặt với những thách thức về lao động trên toàn cầu, đồng thời hé lộ triển vọng tuyển dụng tại Việt Nam nửa đầu năm 2022. Đặc biệt, diễn giả khách mời đã mang đến hội thảo những chia sẻ quý giá về chiến lược tìm kiếm, tuyển dụng và xây dựng nhân lực bền vững trong lĩnh vực thương mại điện tử và hậu cần. Chương trình đã thu hút sự quan tâm và tham gia của hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý cấp cao trong lĩnh vực nhân sự, tuyển dụng và thu hút nhân tài hiện đang hoạt động tại nhiều ngành nghề khác nhau.

Ông Sam Haggag – Giám đốc Thương hiệu Manpower & Kinh doanh khu vực Châu Á, Thái Bình Dương & Trung Đông, ManpowerGroup mở đầu phần chia sẻ bằng việc trình bày về những khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt bởi vấn đề thiếu hụt nhân tài trên toàn cầu. “Việc tuyển dụng nhân lực có kỹ năng đang dần trở thành một nhiệm vụ trọng tâm với các tổ chức bởi nhân lực chính là động lực cho sự phát triển.

Tuy nhiên, nhà tuyển dụng trên toàn cầu đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 80 năm qua” – ông Sam tiết lộ những kết quả nghiên cứu mới nhất từ Báo Cáo Tổng Chỉ Số Lao Động 2021 (TWI) của ManpowerGroup Talent Solutions. Theo đó, có 3 xu hướng chính về lao động đang mở ra những cơ hội giúp các doanh nghiệp phát triển nguồn nhân tài cần có. Một là, tạo điều kiện cho người lao động nâng cao kỹ năng hiện có và học hỏi kỹ năng mới là chìa khóa xây dựng lực lượng lao động tay nghề cao ở tất cả các thị trường. Hai là, nguồn lao động tại các thị trường lao động mới nổi và tiềm năng có thể giải quyết vấn đề lạm phát tiền lương ở các thị trường lao động trưởng thành. Ba là, sử dụng lao động không chính thức đang trở thành một chiến lược cung ứng nhân lực quan trọng cho tất cả doanh nghiệp và tổ chức trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam đã chia sẻ sâu hơn về “chỉ số sức khỏe” của lao động Việt theo báo cáo TWI 2021. Theo đó, Việt Nam xếp hạng thứ 14 trong khu vực và 59 trên thế giới về chỉ số lao động, cao hơn 7 bậc so với năm 2020. “Tiến bộ này cho thấy sự thích ứng linh hoạt của lao động trong nước với những thách thức hiện hành trong thế giới việc làm, ví như chuyển đổi số hay thiếu hụt kỹ năng .v.v.. Tiếp đó, ông Sơn nhấn mạnh hai đặc điểm chính của thị trường lao động Việt Nam, đó là: chi phí lao động thấp nhưng tay nghề còn hạn chế và khả năng thích ứng để làm việc từ xa chưa cao.

“Theo kết quả nghiên cứu năm 2021 giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động & Xã hội (thuộc Bộ LĐTBXH), kỹ năng ngoại ngữ được các doanh nghiệp sản xuất FDI tại Việt Nam đánh giá 3,6 trên thang điểm 4 về mức độ quan trọng mà người lao động cần có. Tuy nhiên, theo TWI 2021, hiện chỉ có 5% lao động Việt Nam có kỹ năng tiếng Anh công sở. Ngoài ra, tỉ lệ lao động có kỹ năng cao nước ta chỉ chiếm 11,6%, khá thấp khi so sánh với các thị trường lao động cùng nhóm (trung bình 20%).”

Tại hội thảo, ông Sơn cũng chia sẻ kết quả Khảo Sát Xu Hướng Tuyển Dụng Tại Việt Nam Quý 1&2 2022. Khoảng 93% các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã và đang vận hành gần như trở lại bình thường so với lúc trước đại dịch. Bức tranh việc làm khá tươi sáng trong 6 tháng tới khi có đến 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng.

Làm việc tại một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu khu vực, bà Tracey Trang Đỗ - Giám đốc Nhân sự của Shopee Việt Nam đã mang đến hội thảo câu chuyện về chiến lược nhân sự bền vững trong lĩnh vực thương mại điện tử và hậu cần với những chia sẻ chân thực về các công cụ đang được triển khai tại doanh nghiệp này. “Tại Shopee, nhằm giải quyết những thách thức về tuyển dụng trong bối cảnh đại dịch, chúng tôi đã không ngừng thích nghi và thay đổi cách làm để thu hút được tối đa ứng viên cho mọi vị trí cấp bậc.” Với những vị trí công sở, công ty tiếp cận các trường đại học, cao đẳng để thu hút đối tượng sinh viên năm cuối; hoặc triển khai chương trình quản trị viên tập sự để hướng tới nhóm lao động trẻ có ít hơn 2 năm kinh nghiệm. “Cho tới nay, chưa một trường đại học nào ở Việt Nam có một chương trình học toàn diện cho ngành thương mại điện tử. Do vậy, chúng tôi mong muốn trang bị cho các bạn trẻ những kiến thức chuyên sâu về ngành này và trao cho các bạn cơ hội gia nhập lĩnh vực này.” Để tìm kiếm nhân tài, Shopee Việt Nam còn tích cực hợp tác với các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ví dụ cộng đồng du học sinh, nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp, chuyên gia, thu hút họ quay trở lại làm việc tại quê nhà.

Với nhóm nhân viên vận hành – một lực lượng quan trọng trong bộ máy nhân lực của Shopee Việt Nam, doanh nghiệp có chiến lược chiêu mộ hoàn toàn khác. Bộ phận nhân sự tối ưu mọi kênh tuyển dụng, từ trực tuyến (qua mạng xã hội và các ứng dụng) cho đến trực tiếp (sử dụng poster, mã QR hay hợp tác với các đơn vị đào tạo lái xe, các trung tâm dịch vụ việc làm)…, nhằm tiếp cận được nhiều ứng viên nhất.

“Bài toán nhân sự bền vững đòi hỏi sự nỗ lực ở nhiều góc độ”, bà Tracey nói. Bên cạnh chiến lược tuyển dụng, Shopee đặc biệt chú trọng phát triển và giữ chân nhân tài. Mọi nhân viên đều nhận được cơ hội việc làm và được khuyến khích thuyên chuyển sang vị trí hoặc bộ phận khác nếu họ muốn, nhằm phát triển thêm kiến thức và kỹ năng. Công ty dành chế độ đãi ngộ và phúc lợi công bằng đến tất cả nhân viên không kể cấp độ hay bộ phận. Shopee cũng đặt vấn đề sức khỏe và sự an toàn của người lao động lên hàng đầu. Bà Tracey chia sẻ: “Với chúng tôi, đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động bao gồm việc đối đãi với mỗi nhân viên để họ đều nhận được những trải nghiệm nghề nghiệp tốt và xứng đáng”.

Buổi hội thảo trở nên sôi nổi hơn trong phần Hỏi đáp. Trả lời về vấn đế làm sao để tuyển dụng và giữ chân được đội ngũ nhân tài phù hợp với định hướng phát triển của tổ chức, ông Sam Haggag gợi ý các doanh nghiệp khai thác cả những kênh tuyển dụng phi truyền thống, đồng thời đưa ví dụ thực tiễn về kinh nghiệm đã được ManpowerGroup Malaysia thực hiện. Ông Sam cũng nhấn mạnh đội ngũ lao động và bộ kỹ năng hiện có không còn phù hợp với nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Các tổ chức nên cân nhắc về việc tăng cường đầu tư vào nguồn lực con người, đặc biệt là vấn đề đào tạo và nâng cao kỹ năng.

Nhận xét về tính cạnh tranh của lao động Việt Nam, ông Sơn nói: “Các nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm ở người lao động nhiều hơn về kỹ năng, năng suất và hiệu suất làm việc cho mục tiêu phát triển bền vững. Nếu chúng ta không chú trọng cải thiện những tiêu chí khác, Việt Nam sẽ tuột mất cơ hội vào tay những thị trường trong khu vực.”