Sinh ra và lớn lên trong thời đại chịu nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch, công nghệ và khủng hoảng kinh tế, Gen Z bước vào môi trường công sở với một tư duy rất khác. Không còn chỉ quan tâm đến mức lương hay vị trí, thế hệ này tìm kiếm những giá trị sâu hơn: sự ổn định, ý nghĩa và khả năng phát triển lâu dài.
Những khác biệt về tính cách cũng như mong đợi của nhân sự Gen Z do vậy đang dần tác động đến việc xây dựng chính sách phúc lợi của các doanh nghiệp.
Để thu hút và giữ chân Gen Z – lực lượng lao động sẽ chiếm hơn 1/3 lực lượng lao động toàn cầu vào năm 2030, doanh nghiệp cần hiểu rõ họ thực sự cần gì. Dưới đây là 5 yếu tố phúc lợi hàng đầu mà Gen Z đang kỳ vọng ở nơi làm việc.
Top 5 phúc lợi Gen Z mong đợi nhất năm 2025
1. Cơ hội phát triển & học hỏi thường xuyên
Gen Z khao khát trưởng thành trong công việc với mong muốn trau dồi kỹ năng chuyên môn, được thăng tiến và được trao cơ hội. Đến năm 2030, Gen Z sẽ từng bước hiện thực hóa tham vọng lãnh đạo, khi xu hướng trẻ hóa đội ngũ C-level đang diễn ra rõ nét. Gen Z có khả năng trở thành thế hệ CEO tiếp theo, nhờ tư duy số, khát vọng lớn và kỹ năng thích ứng vượt trội.
73% nhà tuyển dụng đã tăng đầu tư vào phát triển sự nghiệp nội bộ để đáp ứng kỳ vọng của Gen Z
45% Gen Z sẵn sàng nhận thêm dự án hoặc công việc linh hoạt để học hỏi kỹ năng mới
42% tin rằng đào tạo tại chỗ là phương pháp học hiệu quả nhất
Gen Z không chỉ mong “được học”, mà cần thấy rõ lộ trình phát triển của mình trong tổ chức. Doanh nghiệp cần thiết kế lộ trình thăng tiến rõ ràng – đi kèm đào tạo kỹ năng mềm như phỏng vấn, giao tiếp với quản lý, để giúp Gen Z tự tin bước vào môi trường chuyên nghiệp và gắn bó dài lâu.
2. Linh hoạt trong công việc & cân bằng cuộc sống
Khác với không ít lao động thế hệ trước vốn sẵn sàng làm việc dài giờ và chấp nhận áp lực để đổi lấy mức thu nhập cao, Gen Z đặt sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống lên hàng đầu. Với họ, sự linh hoạt chỉ có giá trị khi được áp dụng thực tế vào cách làm việc hàng ngày, chứ không phải là khẩu hiệu nằm trong tài liệu tuyển dụng.
73% doanh nghiệp đang cải thiện hình thức làm việc linh hoạt để thu hút Gen Z
Gen Z là thế hệ cảm nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất để đạt được cân bằng công việc-cuộc sống (69% lao động nữ và 76% lao động nam cho biết)
56% Gen Z cho biết họ trải qua stress cao mỗi ngày – cao nhất trong tất cả các thế hệ
Làm việc từ xa, giờ giấc linh hoạt và kiểm soát khối lượng công việc đang trở thành tiêu chuẩn để thu hút Gen Z. Doanh nghiệp cần thiết kế chính sách làm việc hybrid, linh hoạt ca làm, đo hiệu suất theo đầu việc thay vì thời gian, và thường xuyên check-in để hỗ trợ tinh thần. Những yếu tố này giúp xây dựng môi trường làm việc tin cậy, cân bằng và giữ chân thế hệ trẻ.

3. Ổn định tài chính & an toàn nghề nghiệp
Dù nổi bật là thế hệ linh hoạt, Gen Z vẫn đánh giá cao sự ổn định về mặt tài chính và giờ giấc làm việc rõ ràng. Đây cũng là những yếu tố mang lại sự an toàn nghề nghiệp cho Gen Z và giúp họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp hơn.
56% Gen Z hiện sống phụ thuộc hoàn toàn vào tiền lương hàng tháng
7/10 người cho rằng giờ làm việc cố định và sự ổn định công việc là “rất quan trọng” khi chọn nơi làm việc
Do vậy, để thực sự gắn kết nhân sự Gen Z, doanh nghiệp cần xây dựng chính sách lương thưởng minh bạch và sát với xu hướng thị trường. Việc truyền thông nhất quán và minh bạch về các chính sách nội bộ như tình hình kinh doanh, định hướng phát triển hay đơn giản là quy định về thời gian làm việc cũng giúp lao động trẻ yên tâm tập trung cho công việc thay vì “nhấp nhổm” tìm chỗ mới.
4. Văn hóa giàu sự lắng nghe, tôn trọng & minh bạch
Gen Z ưu tiên môi trường làm việc tôn trọng và phản hồi kịp thời – nơi họ được lắng nghe, chia sẻ quan điểm và nhận được phản hồi theo thời gian thực thay vì chờ đợi đánh giá định kỳ.
Gần 90% Gen Z tin rằng “ý nghĩa trong công việc” là yếu tố tạo nên sự hài lòng và sức khỏe tinh thần
Họ kỳ vọng được trao đổi công việc thường xuyên, nhận phản hồi theo thời gian thực thay vì đợi đánh giá quý hoặc năm
Doanh nghiệp nên xây dựng văn hóa giao tiếp hai chiều, tạo không gian để nhân viên trẻ được đóng góp ý kiến, ghi nhận nỗ lực sớm và duy trì phản hồi thường xuyên để thúc đẩy động lực và gắn kết dài lâu.
5. Công nghệ là trợ lý – không phải gánh nặng
Là thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên số, Gen Z có khả năng bắt nhịp nhanh với công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn hay tự động hóa. Tuy nhiên, thay vì chỉ xem AI là công cụ hỗ trợ, nhiều bạn trẻ lại cảm thấy bị đe dọa nếu công nghệ không được triển khai một cách minh bạch và nhân văn.
Doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ một cách có trách nhiệm, giúp nâng cao hiệu suất công việc mà vẫn giữ được vai trò, giá trị và sự phát triển của con người – đặc biệt là thế hệ Gen Z.
76% nhà tuyển dụng toàn cầu đang cải thiện các công cụ công nghệ để phục vụ công việc hiệu quả hơn
Những công ty tiên phong về công nghệ sẽ có lợi thế lớn trong việc thu hút Gen Z – đặc biệt trong các ngành IT, TECH, E-commerce và Tài chính.
Gen Z mong muốn một hệ sinh thái phúc lợi toàn diện, linh hoạt và cá nhân hóa – chứ không chỉ là chế độ đãi ngộ theo kiểu cũ. Doanh nghiệp nào hiểu được điều này và hành động sớm sẽ xây dựng được một đội ngũ trẻ trung, trung thành và sẵn sàng phát triển dài hạn cùng tổ chức.