Bạn đứng trước một cánh cửa – có thể là văn phòng công ty, có thể là phòng họp mà bạn sắp bước vào. Nhưng bạn lại chần chừ, và một câu hỏi quen thuộc lại hiện lên trong đầu: "Hôm nay mình sẽ gặp ''phiên bản'' nào của họ nhỉ?" Hẳn ai trong chúng ta cũng từng trải qua khoảnh khắc ấy. Thực chất, đó chính là trực giác đang muốn mách bảo bạn điều gì đó rất quan trọng.
Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo
Bạn đã bao giờ ''phân tích'' tông giọng của sếp trong email như thể đang giải mã một thông điệp bí ẩn chưa? Hay mỗi sáng, bạn có thói quen kiểm tra tin nhắn để xem hôm nay đồng nghiệp có tâm trạng thế nào không? Những buổi họp đầy ''sóng gió'' chắc hẳn đã dạy bạn cách “đọc vị” cảm xúc của người khác trước cả khi họ lên tiếng, vì bạn biết sự bình yên của mình phụ thuộc vào tâm trạng của họ.
Nhưng thành thật mà nói, nếu cả ngày làm việc của bạn chỉ xoay quanh việc suy đoán tâm trạng của người khác, thì đây không còn là ''đi làm'' nữa, mà là bạn đang cố ''sống sót'' trong cảm xúc của người khác mà thôi.
Điều này không ổn chút nào. Và bạn biết rõ điều đó.
Vì đâu nên nỗi?
Thời gian đầu, bạn cố gắng làm việc một cách chuyên nghiệp và khách quan. Nhưng rồi dần dần, bạn bắt đầu quan sát và “tính toán” từng chút một. Và trước khi kịp nhận ra, cả sự nghiệp của bạn đã xoay quanh việc suy đoán và xử lý cảm xúc của người khác.
Chúng ta thường tự nhủ:
"Đây chỉ là phong cách lãnh đạo khắt khe mà thôi."
''Ai mà chẳng phải chịu áp lực từ cấp trên."
"Qua hết quý này mọi chuyện sẽ ổn thôi."
"Đây chỉ là giai đoạn khó khăn tạm thời."
"Ai mà chẳng có những ngày không vui."
"Văn hóa công sở là vậy mà."
"Ít nhất mình cũng biết điều gì sẽ xảy ra."
Càng ở lại lâu, bạn càng khó nhớ nổi cảm giác làm việc trong một môi trường lành mạnh là như thế nào. Những lời biện minh trở thành chỗ dựa tinh thần, bao bọc bạn trong một cảm giác an toàn giả tạo.
Định nghĩa lại sự "bình thường" trong công việc
Bình thường là khi bạn thức dậy và nghĩ về mục tiêu của mình, những ước mơ của mình, và những kế hoạch trong ngày của riêng bạn.
Bình thường không phải là việc phải đắn đo về cảm xúc của người khác trước khi đưa ra những quyết định hết sức đơn giản.
Bình thường là bắt đầu ngày làm việc với sự tập trung vào sáng tạo, không phải sự lo âu, là đóng góp trong các cuộc họp mà không cần phải tính toán trước xem việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của người khác như thế nào.
Lần cuối cùng bạn cảm thấy ''bình thường'' là khi nào?
Dù hơi khó nghe, nhưng sự thật là bạn không bị mắc kẹt, bạn chỉ đang sợ hãi mà thôi. Và điều đó không sao cả. Nỗi sợ là điều dễ hiểu khi bạn đã quen với việc thích nghi với sự hỗn loạn đến mức nó bắt đầu trở thành một thói quen khó bỏ. Nhưng bạn đã quen với điều đó không có nghĩa là nó đúng. Việc rời đi có thể không dễ dàng vì có thể bạn đã rất gắn bó với công ty, hoặc vai trò của bạn khó có thể thay thế, hoặc, có thể toàn bộ mối quan hệ của bạn đều xoay quanh công ty này. Tất cả đều là những lý do hợp lý và chính đáng. Nhưng những lý do này không phải là rào cản – chúng là những vấn đề cần được giải quyết. Bạn không cần ai cho phép để rời khỏi một tình huống khiến bạn mất đi giá trị. Nhưng nếu bạn đang tìm kiếm một động lực, hãy coi đây chính là nguồn cảm hứng đó: Sự phát triển nghề nghiệp của bạn quan trọng. Sự an yên của bạn rất quan trọng. Quyền được cống hiến mà không bị kìm hãm bởi nỗi sợ cũng rất quan trọng.
Những bước cần làm tiếp theo
Bạn không cần những bước nhảy ngoạn mục, mà hãy bắt đầu từng bước nhỏ như:
Cập nhật hồ sơ LinkedIn để ''khoe'' kinh nghiệm và kỹ năng của mình.
Liên lạc với đồng nghiệp cũ hoặc các mối quan hệ trong ngành, không phải để xin việc hay nhờ vả gì, mà là để nhắc nhở bản thân rằng con đường sự nghiệp của bạn không chỉ giới hạn trong những bức tường này.
Bắt đầu một dự án phụ mà bạn yêu thích.
Ghi chép lại những thành tựu và đóng góp của bạn.
Gặp gỡ một người cố vấn nghề nghiệp để giúp bạn nhìn nhận tình hình một cách sáng suốt và đa diện hơn.
Chuẩn bị cho một hướng đi mới, ngay cả khi bạn chưa sẵn sàng.
Xây dựng quỹ dự phòng cho những trường hợp có thể xảy ra trong tương lai.
Quyền quyết định thuộc về bạn
Dù đó là công việc, mối quan hệ, hay bất kỳ tình huống nào khiến bạn phải phụ thuộc vào tâm trạng của người khác để có được sự bình yên, hãy nhớ rằng: bạn có quyền rời đi. Bạn đủ mạnh mẽ để rời đi. Và quan trọng nhất, có rất nhiều điều tốt đẹp hơn đang chờ bạn khi bạn quyết định rời đi.
Nếu tâm trạng của người khác quyết định cách bạn trải qua một ngày của mình, đã đến lúc bạn tự hỏi: Đây có thực sự là cuộc sống bạn muốn không? Hãy tưởng tượng một ngày mới bắt đầu mà bạn không phải nín thở chờ đợi những điều tồi tệ. Chỉ có bạn, tách cà phê, và những kế hoạch của chính bạn. Điều này không phải là giấc mơ xa vời – đó chính là cuộc sống sau khi bạn dám rời đi. Sự an yên của bạn không phải là điều có thể đánh đổi. Giá trị của bạn không phải là điều bạn cần chứng minh lại mỗi ngày.
Cánh cửa bạn đang đứng trước – cánh cửa khiến bạn chần chừ – không chỉ là cánh cửa dẫn vào một ngày làm việc khác. Đó là lời nhắc nhở rằng mỗi cánh cửa đều mở ra một sự lựa chọn. Và có lẽ hôm nay chính là ngày bạn chọn bước về phía những điều tốt đẹp hơn, thay vì lo lắng về những gì đang chờ đợi phía sau cánh cửa đó.
Tác giả: John Julitz, Manager, Global Public Relations, ManpowerGroup.
Tìm hiểu thêm nhiều bí kíp hữu ích để ứng tuyển việc làm và phát triển sự nghiệp TẠI ĐÂY.